March 6, 2024

Hòn đá có nặng không?

by

Hòn đá có nặng không?
Có lần Ngài Ajahn Chah đi dạo với các đệ tử của mình.
Ngài chỉ vào một tảng đá thật to bên đường và hỏi: “Các thầy thấy tảng đá đó có nặng không?”
Các đệ tử nhìn tảng đá to lớn ấy và trả lời: “Dạ thưa, nó rất nặng.”
Ajahn Chah mỉm cười nói: “Nó đâu có nặng, nếu như ta đừng cố gắng mang vác nó lên!”
Hòn đá là nghiệp chủng phiền não, vì nó rất nặng.
Mỗi khi gặp một vấn đề khó khăn hay đối diện với những phiền não trong cuộc sống, bạn hãy thử tự hỏi mình câu hỏi ấy của ngài Ajahn Chan: “Nó có nặng không?”. Và nếu như ta không muốn dời đổi hay mang vác nó lên, thì đâu có là nặng phải không?
Các thiền sư thường nhắc nhở chúng ta rằng, ngay giữa những khó khăn của cuộc đời mà ta thấy được nguyên nhân của phiền não, và sự chấm dứt của nó cũng có mặt ở ngay tại nơi ấy, chứ không cần phải tìm kiếm ở một nơi nào khác… (St)

Cảm ngộ về tâm tu của mình
Mỗi ngày tôi thường đi tìm cái khao khát của mình, đi tìm chính tôi, đi tìm sự thật của cuộc sống và con đường hạnh phúc. Những tác ý đề khởi ra rất nhanh, chỉ cần nghĩ nhớ điều gì chúng sẽ tuôn trào bất tận, và chấm dứt cũng rất nhanh, mỗi ngày đều lặp lại như thế, nhưng nó luôn mới, và mình lại chìm ngập vào nó. Khi cố làm thay đổi điều gì lại bắt đầu trở thành chướng ngại, cái chướng ấy chính là tìm kiếm sự hoàn hảo, chính mình rất cố gắng nhưng niềm vui đã ít dần.
Sự trọn vẹn không có khuông mẩu. Và khổ đau chỉ là một cảm xúc mà thôi.
Một hôm, vị thiền sư và người đệ tử của ông ngồi nói chuyện cùng nhau. Người đệ tử này nói: “Thưa thầy! Khoảng thời gian này, con cảm thấy cuộc sống vô cùng thống khổ, vô vị. Thực sự là khiến con phải phiền não.”
Vị thiền sư không nói gì mà dẫn người đệ tử của ông tới một mảnh đất trống rồi hỏi: “Con hãy ngẩng đầu lên xem, con nhìn thấy gì nào?”
Người đệ tử trả lời: “Thưa thầy, con nhìn thấy bầu trời rộng lớn ạ!”
Vị thiền sư lại nói: “Bầu trời rất rộng lớn phải không? Nhưng ta lại có thể dùng một bàn tay mà che khuất được cả bầu trời đấy!”
Người đệ tử nghe xong, tỏ vẻ không tin. Vị thiền sư liền dùng một bàn tay và che lên hai mắt của đệ tử rồi hỏi: “Con bây giờ có còn trông thấy bầu trời nữa không?”
Thiền sư nói tiếp: “Trong cuộc sống, một chút thống khổ, một chút phiền não, một chút trở ngại cũng giống như bàn tay này. Chúng ta nhìn thì thấy nó rất nhỏ, nhưng nếu không bỏ nó xuống mà cứ đặt nó ở trước mắt mình, đặt nó ở trong lòng mình thì nó sẽ che khuất bầu trời quang đãng. Thế là, chúng ta sẽ bỏ lỡ mất ánh mặt trời, bỏ lỡ mất bầu trời trong xanh và những áng mây sắc màu đẹp đẽ.”

Mẩu chuyện ngắn trên có mình trong đó, chúng ta vẫn thường tạo ra những điểm mù và làm mất đi sự tươi vui.
Xuân sinh – Hạ trưởng – Thu tân – Đông tàn, là quá trình sinh diệt của tự nhiên; Tâm mình cũng vậy, biến chuyển liên tục, chỉ cần bị một tác động rất nhỏ nó đã thay đổi, như mùa xuân, tâm cảnh tươi vui ấm áp vạn vật hồi sinh, làm mặt đất nở hoa – mùa hạ trưởng thành – mùa thu chuẩn bị làm mới – mùa đông tàn héo…
Từ đó chúng ta nên nhận biết, bản chất của cuộc sống là rộng lớn không nhỏ hẹp, là chân thật không hư dối,… Mọi vật sinh ra là để đắp đổi cho nhau. “Cái này có mặt để cái kia có mặt. Cái này sinh ra để cái kia sinh ra. Cái này đoạn diệt, cái kia cũng đoạn diệt.” (Lời Phật dạy)
Hòn đá thật không nặng, do người nhấc lên mới có nặng nhẹ. Bầu trời không nhỏ, vì bàn tay che đôi mắt nên không thấy được thênh thang.
Chúc chư hiền an vui tinh tấn. Sống trong tĩnh lặng. Nhẹ bước thong dong..

You may also like