November 15, 2024

“Thuật dụng nhân” – Bí mật của những đế vương bất bại

by

Vào năm 318 TCN, nước Yên lâm vào cảnh nội loạn. Nước Tề liền nhân cơ hội đó, đem quân tấn công và đẩy vua Yên là Yên Vương Đăng vào thế lưu vong. Thời gian sau, Yên Chiêu Vương lên ngôi, quyết tâm khôi phục lại lãnh thổ. Để tìm cách chiêu mộ nhân tài, ông đích thân đến gặp Quách Hòe, một hiền sĩ nổi danh ở Yên, xin chỉ dẫn.

Quách Hòe khuyên rằng: “Vua muốn lập nghiệp lớn thì phải xem hiền tài là thầy. Kẻ trở thành nghiệp vương coi hiền tài là bạn, kẻ thành bá chủ coi hiền tài là đại thần, còn kẻ không giữ nổi giang sơn lại coi hiền tài là nô bộc. Nếu bệ hạ thực sự tôn trọng và kính trọng hiền sĩ như thầy, thì nhân tài khắp nơi sẽ tự tìm đến nước Yên.

Yên Chiêu Vương nghe vậy liền hỏi: “Vậy ta nên tìm gặp ai đầu tiên?” Quách Hòe không trả lời trực tiếp mà kể một câu chuyện: “Ngày xưa, có một vị vua muốn mua ngựa thiên lý mã, bỏ ra ngàn vàng nhưng mãi không tìm được. Một đại thần xin thay vua tìm kiếm. Ba tháng sau, ông ta trở về, nhưng chỉ mang bộ xương của một con thiên lý mã đã chết, giá 500 lạng vàng. Quốc vương giận dữ quát mắng, nhưng đại thần giải thích: ‘Xương ngựa đã chết còn giá 500 lạng vàng, thì ngựa sống đáng giá đến đâu? Thiên hạ sẽ thấy vua thực tâm muốn mua ngựa quý và tự động đưa ngựa đến cho người.’ Và chỉ sau một năm, quốc vương đã có ba con thiên lý mã.”

Yên Chiêu Vương gật gù, hiểu ra ý tứ trong câu chuyện. Quách Hòe nói tiếp: “Nếu đại vương thực lòng muốn tìm hiền sĩ, hãy bắt đầu từ thần. Nếu thần cũng được trọng dụng, thì những người tài giỏi hơn thần sẽ kéo đến phụng sự.” Nghe vậy, Yên Chiêu Vương liền xây cho Quách Hòe một nơi ở đặc biệt và đối đãi với ông như bậc thầy.

Tin tức lan rộng, người đời đều cho rằng Yên Chiêu Vương là vị vua sáng suốt, biết trọng dụng hiền tài. Nhờ vào những nhân tài này, Yên Chiêu Vương cuối cùng đánh bại nước Tề, giữ vững giang sơn.

Lời khuyên của Quách Hòe không chỉ đúng thời đó mà vẫn nguyên giá trị trong bất kỳ bối cảnh nào, đặc biệt là đối với những nhà lãnh đạo, các chủ doanh nghiệp. Những người lãnh đạo tài giỏi không cần quá xuất sắc về chuyên môn nhưng biết chiêu mộ người tài. Chính sự tôn trọng và tấm lòng rộng mở của họ khiến những nhân tài thực sự sẵn lòng cống hiến và gắn bó.

Trong cuộc sống, có không ít người thắc mắc tại sao một lãnh đạo “không nổi bật” lại có thể thu hút được một đội ngũ giỏi giang. Thực tế, chính khả năng lãnh đạo và cách dụng nhân của họ tạo nên sức hút, khiến những người có tài sẵn sàng đi theo. Điều này lý giải tại sao có nhiều cấp dưới giỏi hơn sếp của mình gấp nhiều lần về chuyên môn – vì người lãnh đạo giỏi không nhất thiết phải tinh thông tất cả các lĩnh vực mà là biết trân trọng và phát huy năng lực của đội ngũ.

Lấy ví dụ từ Lưu Bị thời Tam Quốc. Ông không hẳn là vị vua nổi trội, nhưng ông có thể khiến Quan Vũ, Gia Cát Lượng – những hiền tài xuất chúng – trung thành phục vụ hết mình. Điều này không chỉ xuất phát từ chí hướng chung mà còn từ sự tôn trọng chân thành của Lưu Bị đối với người tài. Nhờ đó, ông chiêu mộ được Gia Cát Lượng, một quân sư lỗi lạc sẵn sàng cống hiến cả đời cho đại nghiệp.

Bài học rút ra là: nếu muốn giỏi thì hãy tìm thầy giỏi; nếu muốn mạnh thì hãy có người đồng hành xuất sắc. Một người lãnh đạo tài ba là người biết lắng nghe, tôn trọng và thực sự trân trọng tài năng của người khác. Sự kiêu căng, tự mãn chỉ thu hút những kẻ xu nịnh, không bao giờ giữ chân được hiền tài thực sự.

You may also like