Nhân quả việc khen chê
NHÂN QUẢ KHEN CHÊ
Người hay khen ngợi người khác sẽ chiêu cảm quả báo được ngợi khen trở lại. Đây vừa là vòng tuần hoàn của tâm lý, vừa là vòng tuần hoàn của nhân quả. Tâm lý thì dễ thấy, vì lời khen thường khiến người khác vui vẻ, có thiện cảm nên họ dễ ngợi khen ta trở lại. Còn về nhân quả, khi ta thật lòng tán thán ưu điểm của người thì ta được cái phúc. Sau này chính ta cũng sẽ thành tựu những điều tốt đẹp để được tán thán trở lại.
Ngược lại là lời chê. Cũng vậy, lời chê bai làm ta mất tình cảm với mọi người, vừa làm ta mất phước. Chê ai điều gì sau này ta sẽ vướng lại đúng điều đó, nhất là lời chê rộng rãi cho nhiều người biết thì càng làm tổn phước nhiều hơn nữa. Đức Phật gọi những người hay chê bai là “người sinh ra với cái búa trong miệng”. Hãy nhớ rằng, chưa chắc người khác đã xấu như ta nghĩ, có khi chỉ vì ta hiểu lầm mà thôi. Hơn nữa, có khi hôm nay họ dở nhưng tháng sau họ đã khá lên rồi, mà bát nước đổ đi rồi không hốt lại được, lời chê vẫn còn nằm đó, vẫn hạ mất danh dự, nhân phẩm của người khác.
Khiêm hạ tức là luôn tự thấy mình tầm thường nhỏ bé để tôn trọng mọi người. Đối với một người mà có “cái tôi” quá lớn sẽ chẳng xem ai ra gì, tự thấy mình luôn hơn người mọi mặt, nên ít biết quý trọng ai, dễ chê người này hay trách cứ người kia.
Còn đối với người có “cái tôi” nhỏ sẽ hoàn toàn ngược lại, họ luôn thấy cái hay của người nhưng không thấy mình hay, luôn gắng học hỏi và tìm ưu điểm để khen ngợi người khác.
Chúng ta hãy nhìn lại mình trong bao nhiêu năm qua làm con người sống giữa cuộc đời này, cả khen và cái chê ta nói điều nào nhiều hơn. Nếu ta chê nhiều, biết ngay là bản ngã ta còn lớn; còn nếu ta khen được nhiều, biết ngay bản ngã ta đã nhỏ đi và ta có một chút cái hạnh của sự vô ngã.
Việc khen hay chê rất đơn giản nhưng lại bộc lộ bản ngã ở mỗi người. Người bản ngã nhỏ sống giữa cuộc đời luôn biết khen nhiều người, thấy được ưu điểm của người khác, người này rất dễ tiến tu. Trái lại, người bản ngã lớn thì chỉ thích chê mà ít khi khen ngợi ai.
Comments are closed.