CÔ KIẾN TRINH SÁT Tác giả: Vũ Kim Dũng Bìa và minh họa: Linh Phong Nhà xuất bản Kim Đồng Hà nội - 1972 MỘT GIA ĐÌNH LỚN Họ hàng nhà Kiến chúng tôi đông lắm. Nào Kiến Vàng, kiến Đỏ, kiến Gió, kiến Đen, kiến Bọ Giọt....kể có tới hai mươi nghìn loài kiến khác nhau. Họ làm ăn sinh sống ở khắp nơi trên trái đất, từ châu Âu tuyết trắng đến châu Á bao la, từ châu Phi nắng cháy đến châu Mỹ xa xôi, từ núi rừng âm u đến thảo nguyên bát ngát. Từ cánh đồng phì nhiêu đến miền biển sóng quanh năm Trải qua những biến động lớn lao bao thế kỷ, hàng ngàn hàng vạn loài sinh vật đã từng xuất hiện trên hành tinh tươi đẹp của chúng ta, tuy thân hình bé nhỏ và yếu ớt so với nhiều động vật khác, vẫn tồn tại và ngày càng phát triển mạnh mẽ. Có bạn hỏi: “Sức sống mãnh liệt của họ nhà Kiến bắt nguồn từ đâu?”. Trả lời được câu hỏi này đâu phải chuyện dễ dàng. Nhưng có điều chắc chắn là nếu như loài Kiến chúng tôi không biết đoàn kết thành một tập thể rộng lớn, vững chắc, có tổ chức và kỷ luật chặt chẽ thì không thể nào được như ngày hôm nay. Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình kiến Đỏ, bé và đông đúc thuộc giống Phooc-mi-ca. Bố tôi mất, tôi ở với mẹ từ tấm bé đến giờ. Sống trong một gia đình có gần mười lắm nghìn miệng ăn, tuy không sung túc lắm, nhưng ai cũng được no đủ quanh năm. Tất cả chị em chúng tôi quây quần quanh mẹ già, dưới một mái nhà ấm cúng yên vui. Tòa nhà cao ba mươi tầng, đứng sừng sững như một trái núi nhô lên trên rừng cỏ rậm. Mái tròn lợp gianh. Xung quanh là tường đất. Trong nhà có hàng nghìn căn phòng rộng hẹp khác nhau. Cửa sổ cũng trổ đủ loại: Hình tròn, hình bầu dục, hình quả trám, hình bán nguyệt... Đường đi lối lại qua các phòng và giữa các tầng rất quanh co, ngoắt ngoéo. Những ai không quen rất dễ bị lạc. Trước cửa nhà có cái sân đất phẳng lì, có hàng rào cỏ gà gân tím viền quanh. Giữa sân mọc lên một cây vông vang hoa vàng rực rỡ. Hai cây ké hoa đào đứng sát bên nhau ở góc bên phải. Đằng sau nhà là rừng cỏ gianh lá sắc như dao, xen lẫn cỏ sả ngát hương và cỏ lông công có ngù hoa trắng như bông Cùng lứa với tôi có tám nghìn chi em cả thảy. Tôi là con gái giữa.Do mẹ tôi đẻ rất mau, nên bà chị cả đến cô em út cách nhau có năm tuổi. (Xin bạn nhớ cho rằng tuổi của bọn côn trùng chúng tôi tính theo ngày, mỗi ngày lên một tuổi) Căn cứ vào khả năng của bản thân và yêu cầu chung của gia đình, mẹ tôi thường phân “ngành nghề” cho từng đứa con của mình ngay từ khi mới đặt trứng. Tùy theo “ nghề nghiệp” đã được chọn rứt khoát trong tương lai, chị em chúng tôi sẽ sống ở những nơi khác nhau trong tòa nhà và hưởng “chế độ” chăm sóc, dạy dỗ riêng. May mắn nhất là một trăm hai mươi cậu em và năm chục cô em gái của tôi sau này sẽ trở thành loại kiến cánh tha hồ bay lượn trên bầu trời. Chúng sẽ được ở trong những căn phòng đẹp đẽ, sạch sẽ, gần kề với phòng mẹ tôi. Mỗi đứa thường xuyên có hai mươi lăm chị “ giữ trẻ” trông nom và cung cấp thức ăn liên tục suốt ngày, nên chúng lớn như thổi. Dãy phòng cao ráo, rộng rãi tầng trên là nơi dành riêng cho những chị tương lai sẽ trở thành loại kiến to đầu khổng lồ, có sức khỏe phi thường. Họ được bồi dưỡng đặc biệt để bổ xung cho lực lượng xung kích rất đáng tin cậy của gia đình tôi. Tầng dưới là những căn phòng nhỏ và hẹp hơn của những chị kiến thợ tương lai. Các chị được gọi như vậy là bởi vì sau này các chị phải làm những công việc đòi hỏi sự khéo léo như đào đất, nhào vữa, xây nhà, đắp đường...Ngoài ra một số các chị còn phải cung cấp và chế biến thức ăn, trông trẻ, quét dọn nhà cửa, vận chuyển trứng mới đẻ... Đặc biệt ở đây ba chị mới được một cô giữ trẻ trông nom Tôi ở cùng với các chị em sẽ được vinh dự xếp vào loại kiến lính sau này. Chúng tôi vừa phải bảo vệ gia đình lại vừa phải đánh nhau với kẻ địch nên cũng có được ưu tiên hơn một chút. Mỗi cô giữ trẻ chỉ phải nuôi nấng, chăm sóc một đứa trong bọn chúng tôi. Mẹ tôi thường cho chúng tôi ở những căn phòng thoáng mát phía ngoài, gần cửa sổ và cửa ra vào Từ cái trứng trắng bé tí tẹo, trước khi trở thành “công dân” chính thức của xã hội Kiến, chị em chúng tôi đều phải trải qua cuộc đời của sâu kiến. Phần lớn chị em tôi đều rất ấm ức với cái tên xấu xí ấy. Nhưng lúc ấy cứ mỗi lần đứng trước gương, tôi đều cảm thấy mình chẳng khác bọn sâu rau, sâu lúa xấu xí là mấy. Mặt mũi nom đến phát khiếp, đầu trọc lốc, mắt híp, cổ rụt lại, hay nói đúng hơn là không có cổ. Những đôi chân to và ngắn xếp thành hai dãy dọc thân như hai hàng cột chống đỡ tấm thân béo núc, hằn lên mười bốn khúc tròn trùng trục. Chỉ có điều hơi đặc biệt là khúc đầu thì dài và thuôn, còn những khúc sau càng gần phía dưới lại càng phình to ra. Mỗi khi tôi cựa quậy, toàn thân nom như cái loa kèn lăn lông lốc. Lũ sâu kiến chúng tôi đang tuổi ăn, tuổi ngủ nên các cô giữ trẻ phải vất vả lắm mới chăm sóc được đầy đủ. Hằng ngày có một cô chuyên mớm thức ăn cho tôi. Những khi rỗi rãi, cô lại thè lưỡi lau sạch những giọt mồ hôi dính nham nháp trên mình tôi. Không bao giờ cô để tôi hôi hám, bẩn thỉu. Ăn uống xong xuôi, tôi cũng chẳng dám đi đâu xa, sợ bị lạc. Suốt ngày tôi chỉ tha thẩn trong nhà chơi với mấy chị em cùng lứa. Tuổi nhỏ của tôi cứ êm đềm trôi. Chẳng bao lâu tôi đã đến tuổi hóa nhộng. Thật đúng là sinh sau đẻ muộn bao giờ cũng chịu phần thiệt thòi. Trong khi các chị tôi ung dung nằm cuộn tròn trong những cái kén trắng tinh hình quả dưa chuột, thì tôi vẫn hì hục kéo tơ dệt kén cho mình Trong cái nôi êm ấm tôi ngủ li bì, không còn biết trời đất là gì nữa, Khi tỉnh dậy, tôi cởi bỏ cái vỏ nhộng cứng nhắc bó chặt quanh mình, rồi phá kén chui ra. Từ đấy, tôi giã từ cuộc sống buồn tẻ, đơn điệu của kiếp nhộng sâu và bước vào sống trong xã hội Kiến tưng bừng, náo nhiệt. Giờ đây tôi biến thành một cô kiến nhỏ nhắn và xinh đẹp lạ thường. Tôi sung sướng hất đôi râu mềm mại lên trên trán, chạy như bay đến bên chiếc cửa sổ hình bán nguyệt. Dưới sân, những bông hoa ké, hoa đào đã vui vẻ xòe ra năm cánh hồng mơn mởn, để lộ những tua nhị dài, đầu đội bao phấn vàng óng. Các chị kiến ra khỏi kén trước tôi chạy ùa lại chạm râu tôi, hỏi han rối rít. Suốt sáng hôm ấy, chúng tôi xếp vòng tròn nhảy múa tưng bừng trong tòa nhà đồ sộ, trước khi bước vào cuộc đời mới. Chị em chúng tôi còn phải trải qua một thời gian khá lâu nữa mới đủ tuổi chiến đấu. Trong những ngày ấy,mẹ tôi gửi chúng tôi vào học trong trường đặc biệt. TRƯỜNG HỌC KỲ LẠ Từ ngày vào trường, nếp sống của tôi thay đổi hẳn. Tất cả thói lề mề, chậm chạp, lười biếng, luộm thuộm... của đời sâu kiến trước kia đều biến mất. Thay vào đó là thói quen: Nhanh nhẹn và kỷ luật. Sáng ra,tôi dậy sớm, lau mặt sạch sẽ, chải râu cẩn thận, rồi sửa soạn đi học.Cái sân phẳng lì trước cửa đã trở thành lớp học đồng thời cũng là nơi luyện tập.Buổi học nào tôi cũng cố gắng đến lớp sớm một chút, Hễ có lệnh tập hợp là tôi lập tức đứng ngay vào hành lang. Chỉ trong phút chốc, cả lớp hơn một trăm học sinh đã đứng im phăng phắc, xếp hàng chỉnh tề. Trước khi vào trường học, bao giờ cô giáo cũng xem kỹ từng học sinh đang đứng xếp hàng một, cách nhau hai mi-li-mét. Lần nào tôi cũng được cô khen trước lớp về chuẩn bị kỹ càng chu đáo, Hai sợi râu dài và mềm mại của tôi thường xuyên được chải cẩn thận, óng chuốt như tơ. Đôi mắt đen tròn luôn giữ được vẻ trong sáng long lanh. Bộ quần áo đỏ sạch bóng như đồng. Dây thắt lưng chặt ngang thân mình, khiến cho thân hình nhỏ nhắn, cân đối của tôi càng thêm gọn gàng. Ba đôi chân thon, dài, có gai không hề dính một chút bùn bẩn. Tôi vẫn nhớ mãi, trong buổi học đầu tiên, chúng tôi tập bài “Đi đều bước” rất là vất vả, khó nhọc. Chả là vì họ nhà Kiến chúng tôi có những ba đôi chân: đôi trước, đôi giữa, đôi sau. Bởi vậy chúng tôi không thể đi theo nhịp một, hai, mà phải đi theo nhịp một, sáu Khi cô giáo hô “một” thì chân phải của đôi chân trước bước lên một bước. Cô hô “ hai” thì bước chân trái. Khi hô “ba, bốn” thì lần lượt đến hai chân giữa. Cuối cùng, khi cô hô “năm, sáu” bấy giờ đôi chân cuối cùng bước lên, Tôi nghiệm thấy, hễ mình đi đứng bình thường thì sao mà dễ thế. Hễ cứ chuyển sang đi theo nhịp thì khó đáo để. Hôm đầu chúng tôi đi sai nhịp luôn, chân nọ sọ chân kia. Cô giáo phải hô đi hô lại mãi, khản cả cổ. Ấy thế mà chịu khó luyện tập thường xuyên rồi cũng sẽ thành quen. Bây giờ chúng tôi không chỉ đi đúng nhịp một mình, mà còn có thể đi thành đội ngũ chỉnh tề, chân vẫn đều tăm tắp. Thấy cả lớp đi đứng khá thành thục, cô giáo liền chuyển sang cho tập “chạy vũ trang”. Mục này quả là gay go, phức tạp. Bởi vì khi đang tập chạy, lúc nào cũng lỉnh kỉnh bên mình nào là vũ khí, nào là điện đài, lại thêm hai bình thuốc hóa học nặng trịch nữa. Như thế đã hết đâu,trên hàm còn phải vác thêm tảng đá nặng năm trăm mi-li-gam nữa. Tính ra nặng hơn mười lần thân tôi.Trong khi đó “lực sĩ” voi, nổi tiếng là khỏe nhất thế giới, cả thân hình nổi tiếng của bác ta nặng đến năm tấn, chỉ mới vác được một chú voi con nặng chưa đến một phần mười thân xác bác, mà đã kêu nặng è cổ, lê không nổi. Tuy luyện tập gian khổ, nhưng chúng tôi vẫn cố gắng vượt qua. Vả lại cô giáo cũng luôn luôn nhắc nhở chúng tôi là muốn trở thành những chiến sĩ giỏi, thì ngay từ khi còn học ở trường đã phải rèn luyện mình có những đôi chân cứng cáp, nhanh nhẹn, lại biết chịu đựng bền bỉ, dẻo dai. Mới đầu, tôi chạy chậm.Tốc độ nhanh nhất cũng không quá 1cm/giây. Vừa chạy một quãng chừng hai mét đã thấy mệt lử. Về sau, tôi đã chạy nhanh gấp đôi, rồi gấp ba. Không những thế, tôi còn chạy trên cả một quãng đường dài hai chục mét, hết lao xuống đèo lại leo lên dốc, mà vẫn chưa thấm mệt. Đặc biệt trong cuộc thi ngắn 100 xăng-ti-mét tổ chức trong toàn trường, tôi đã về nhất. Chỉ hết ba mươi giây. Khó ngăn nguy hiểm nhất là khi chúng tôi phải tập leo trèo trên những bức tường dựng đứng của tòa nhà cao ba mươi tầng hay bám ngược dưới mặt lá cây, ngọn cỏ đang rung rinh trước gió. Chỉ sểnh một cái là ngã lộn cổ. Có lần, tôi đã leo lên đến gần nóc nhà rồi mà còn bị rớt xuống đất. Cũng may mà tôi chỉ nặng có bốn chục mi-li-gam, nên rơi rất chậm và êm như một cánh hoa. Tuy không bị què chân, gãy râu, nhưng đầu tôi cũng đau rức như búa bổ, toàn thân đau ê ẩm. Mãi về sau, tôi mới nắm được bí quyết sử dụng những vuốt sắc ở bàn chân để bám vào đâu là dính chặt tới đó. Không những thế, tôi còn giúp chị em trong lớp cũng leo trèo thành thạo như mình. Từ đó, lúc nào chúng tôi cũng có thể vào được mọi nơi của địch, dù cho ở đó có hóc hiểm, kiên cố đến mức nào chăng nữa. Sau đó, chúng tôi được học cách dùng các loại vũ khí. Đầu tiên, cô giáo dạy chúng tôi cách dùng đôi râu trước trán, nó có tầm quan trọng đặc biệt trong cuộc sống và chiến đấu của chúng tôi. Ai mới trông thấy đôi râu kiến lần đầu đều tưởng đó là hai sợi mảnh như hai sợi tóc, nhưng thực ra mỗi sợi có mười một đốt cao thấp, lớn bé khác nhau. Đốt gốc nhỏ nhất, dài gần bằng nửa sợi râu. Mười đốt còn lại, ngắn và to hơn, xâu thành một chuỗi hạt như hạt cườm. Đốt trên ngọn to hơn cả, đầu tày, điểm mấy sợi lông tơ ngắn như ria mép. Lúc bình thường, đôi râu kiến chúng tôi hơi gấp khúc giơ lên ngang trán và chĩa về phía trước. Khi cần, nó có thể quay mọi hướng để đánh hơi ở xa. Đồng thời nó cũng có thể dùng để sờ nó các vật ở gần, chẳng khác gì bàn tay kỳ diệu của loài người. Hơn nữa, nhờ đôi râu mà họ nhà kiến chúng tôi có thể dễ dàng nhận ra nhau hoặc trao đổi những tin tức và mật hiệu riêng của từng gia đình. Trước đó, cô giáo cho một đội đi kiểm soát kỹ lưỡng tất cả các ngóc ngách, bờ bụi quanh thao trường, Sau đó cô cắt một đội canh gác cẩn mật. Cô nhắc nhở chúng tôi: - Các em phải giữ bí mật tín hiệu rung râu của gia đình ta. Nếu các em để lộ cho kẻ địch biết, chúng sẽ trà trộn vào hàng ngũ quân ta thì rất nguy hiểm. Sau đó,lớp tôi xếp thành hai hàng một, đi ngược chiều nhau. Từng đôi một,khi gặp nhau thì chạm râu trao đổi tín hiệu đã quy định. Khổ một nỗi là vừa phải quay râu dò theo vết chân của bạn bè để đi đúng vào hàng lại vừa phải trao đổi tín hiệu, nên rất hay nhầm lẫn. Nhiều khi phải chạm râu đến chục lần mà vẫn chưa được. Có những đôi cứ đứng chụm đầu vào nhau mãi mà không dứt ra được, chỉ vì quên mất tín hiệu, nom đến buồn cười! Chúng tôi đang mải mê luyện tập thì nhận được tín hiệu báo động. Cô giáo lập tức tập hợp cả lớp thành đội ngũ chỉnh tề. Rồi dẫn chúng tôi về phía góc sân bên phải, nơi có mấy chị đứng gác đang rung râu vẫy gọi. Hình như đội cảnh vệ vừa phát hiện được kẻ địch đang lẩn quất ở đó. Quả nhiên, khi tôi đến sát hàng rào cỏ gà thì thấy ngay một tên Cào cào áo xanh đang đứng lẫn lộn giữa các búi cỏ um tùm. Tưởng không có ai biết, hắn ung dung đứng ghếch chân lên thùy lá để rình nghe trộm. Năm tiểu đội được lệnh vây kín hàng rào. Còn cô giáo dẫn tiểu đội tôi bí mật leo lên vít một chiếc lá ở phía trên xuống gần sát tên Cào cào. Thế là chúng tôi chỉ việc nhảy thẳng xuống lưng hắn, rồi nhanh chóng lách qua hai lần áo lụa mỏng và bám dọc xương sườn tên địch. Bị đánh bát ngờ, tên này vội vã co càng lại, xòe cánh ra định bay lên. Chúng tôi phải luồn mãi xuống dưới bụng hắn, nhưng không biết làm thế nào. May thay lúc ấy cô giáo đã kịp hạ lệnh: - Cắm kim! Tuy chúng tôi chưa học được học cách dùng mũi kim nhọn hoắt ở cuối đuôi bao giờ, nhưng chúng tôi vẫn cứ làm theo từng động tác của cô giáo. Mới đầu chúng tôi kiễng đôi chân lên, cụp đuôi, rồi cắm kim phập mũi kim ngập sâu vào cái bụng nhăn nheo đang phập phồng của tên Cào cào. Đau quá, tên này loạng choạng bay về phía cây vông vang hoa vàng. Giữa tiếng gió thổi vù vù và tiếng cánh đập phành phạch, tôi chỉ thoáng nghe thấy tiếng hô: - Tiêm nọc! Cả tiểu đội nhất loạt theo cô giáo thót bụng lại, phun mạnh nọc kiến vào da thịt kẻ địch. Chất độc của nọc kiến quả là mạnh. Vừa ngấm thuốc, tên khổng lồ có cánh đang bay dừng hẳn lại, rơi bịch xuống đất, mà vẫn còn giãy rụa lung tung, càng đạp vào nhau kêu tanh tách, răng nghiến ken két. Cô giáo thấy vậy liền dẫn chúng tôi luồn hẳn vào khe cổ của hắn, dùng hàm răng sắc, cắn đứt cuống họng. Bấy giờ hắn mới chịu nằm im, đầu ngoẹo sang một bên, đôi râu rũ xuống, cánh xõa hai bên. Vừa thắng trận đầu, khó khăn mới lại đến. Nhìn cái xác to kềnh nặng hàng nghìn mi-li-gam nằm ềnh ra giữa bãi tập, chúng tôi cứ loay hoay mãi, không biết làm thế nào để đưa ra được. Cô giáo lại phải bảo cả lớp xúm lại, mỗi học sinh một hàm, nâng bổng lên đầu, rồi vác thẳng một mạch về kho. Một chị kiến to đầu khổng lồ chạy ra đón lấy cái xác Cào cào từ trên hàm chúng tôi. Chị ta cao lênh khênh đến nỗi tôi đứng kiễng cả chân lên cũng chưa đến ngực chị. Hàm thì bạnh, chân thì to và gồ lên như hạt ngô tẻ.Bụng chị phồng lên ở phần giưa, nhon hoắt ở phần đuôi như hình trái đào. Chị ra luôn dùng đôi hàm răng bẹt và cong như càng cua, xé thịt cào cào thành từng miếng nhỏ rất nhanh nhẹn và khéo léo. Lúc ấy từng đoàn cô giữ trẻ mới lục tục kéo đến lĩnh phần. Thế là cùng một lúc, chúng tôi được học ngay cả hai bài về cách dùng nọc kiến và hàm răng. Nhờ đó chúng tôi thuộc bào rất nhanh và dễ dàng. Học xong hai khoa mục này thì khóa học cũng vừa kết thúc. Thấm thoát đã đến kỳ thi tốt nghiệp. Điều vui mừng nhất là cả lớp không ai bị trượt. Các môn thi của tôi đều xuất sắc. Tôi còn nhớ lúc học xong, cô giáo ân cần căn dặn chúng tôi: - Hôm nay là ngày các em học xong và các em cũng đã đủ tuổi làm nghĩa vụ. Các em đừng bao giờ nghĩ rằng học ở trường như thế là đủ, mà sau này các em còn phải học nữa học mãi.Chịu khó tự rèn luyện mình, các em sẽ mau chóng trở thành những chiến sĩ giỏi. Chúc các em đạt được nhiều thành tích tốt đẹp! Sau khi ra trường, chúng tôi được phân công về các đơn vị khác nhau. Nhân thời gian được nghỉ phép, tôi về thăm mẹ và các chị em cùng toàn thể bà con họ hàng thân thích. CÔNG VIỆC KHỔNG LỒ Qua bao ngày cách xa, giờ đây tôi trở về thăm lại căn phòng trước kia tôi đã ra đời. Một chị kiến canh cửa chắn tôi lại và cho biết là mẹ và dì tôi đều có nhà, nhưng chưa thể thăm ngay được. Tôi kiễng chân, tò mò nhòm qua khe cửa thì thấy mẹ đang lúi húi ở giữa nhà sửa soạn giường phản. Còn dì tôi đứng gần đó, vẻ mặt bồn chông. Mấy chị kiến lùn tịt, bé tí tẹo, đứng xúm xít xung quanh như đang chờ đợi một cái gì sắp xảy ra. Hôm ấy, tôi có cảm giác như mẹ tôi bé nhỏ hẳn bên cạnh dì tôi, mặc dù trước kia cả hai đều cao lớn như nhau. Đến khi tôi hỏi chị gác cổng thì mới hay rằng suốt một tuần nay, bụng dì tôi tự nhiên phình lên gấp năm lần ngày thường. Có lẽ dì tôi sắp ở cữ. Thảo nào tôi thấy những đôi chân to và khỏe của dì tôi khuỵu hẳn xuống vì phải cố đỡ cái bụng nặng trình trịch Một lát sau, dì tôi lệt sệt lê ra giữa nhà. Mẹ tôi vội chạy đến dìu dì trèo lên cái giường rất rộng, vừa dọn dẹp sạch sẽ, tinh tươm. Mấy chị kiến lùn rối rít chạy đến. Một chị nhanh nhẹn trèo hẳn lên bụng dì tôi, thè lưỡi liếm sạch những giọt mồ hôi còn đọng ở ba vòng ngấn thắt ngang bụng như đánh đai. Các chị khác thấy thế cũng vội trèo lên theo. Họ thi nhau làm công việc đó một cách say mê, thích thú lạ thường đến nỗi tôi cũng cảm thấy hình như những giọt mồ hôi bình thường của dì đã trở thành món ăn quen thuộc và ngon lành của họ. Trong những giờ phút chờ đợi dài đằng đẵng, tôi cứ đi dọc hành lang rộng thênh thang. Đột nhiên tôi thấy trong phòng dì nổi lên tiếng cười nói vui vẻ, tiếng chân dậm bình bịch, rồi cánh cửa hình bầu dục bấy lâu nay vẫn đóng im ỉm được mở toang ra. Chị gác cổng vội vàng né sang một bên để nhường lối cho chị kiến lùn đang lễ mễ bê một quả trứng trắng tinh bước ra. Đi được một quãng, chị ra dừng lại, quay râu bốn phía như đang cân nhắc điều gì. Sau đó chị ta lại lễ mễ bê trứng đi thẳng. Từ đó cứ khoảng ba mươi giây lại có một chị kiến bê trứng ra. Chẳng bao lâu, dọc hành lang rộng thênh thang từng đoàn vận chuyển trứng đi lại như mắc cửi. Chỉ trong một tiếng đồng hồ đã có một trăm hai mươi chuyến trứng qua. Nhìn những quả trứng xinh xinh hình bầu dục giống nhau như đúc, tôi không tài nào phân biệt được quả nào sau này sẽ ra loại kiến cánh, kiến to đầu khổng lồ, kiến thợ hoặc kiến lính. Thế mà những chị kiến lùn bé nhỏ kia lại nắm được bí quyết đó. Họ đem từng loại trứng chuyển đến những căn phòng riêng biệt. Mỗi phòng đều có một vài chị chuyên xếp trứng và thỉnh thoảng lại đảo một lần. Chỉ qua một ngày đêm kể từ khi dì tôi ở cữ, số trứng các loại được xếp trong các buồng kia lên tới ba nghìn quả.Thế mà các chuyến chở trứng vẫn tiếp tục qua lại trên đường. Sáng hôm sau, tôi đang đứng ở cửa phòng bà dì, thì gặp một đoàn cô giữ trẻ từ nhà kho đi lên. Chắc họ vừa ăn thả cửa món thịt cào cào, nên bụng chị nào chị nấy no căng, bước đi ì ạch. Tôi bèn theo các chị ấy đến chỗ các em tôi ở dãy phòng đẹp đẽ, sạch sẽ gần ngay đấy. Cửa vừa mở, các cậu vội chạy ùa đến bám chặt lấy các cô giữ trẻ, rung râu rối rít, miệng há hốc đòi ăn. Nom cậu nào cậu nấy béo múp míp, to lớn gấp bốn cô giữ trẻ. Đôi cánh mỏng còn chưa chấm đuôi. Buồn một nỗi là miệng các cậu lại bé, hàm răng nhỏ và yếu đến nỗi ăn cũng không xong. Vì thế mỗi lần cho một cậu ăn, cô giữ trẻ phải đứng choãi cả bốn chân sau, còn hai chân trước thì giữ chặt lấy đầu các cậu, râu vuốt ve dỗ dành, rồi mới mớm thức ăn để dành trong cái dạ dày “tập thể” cho các cậu. Đọc đến đây chắc các bạn không khỏi thắc mắc về cái dạ dày kỳ lạ này. Bởi vì, theo lẽ thường, đã gọi là dạ dày thì làm gì có dạ dày “tập thể” hay “cá nhân”? Ấy thế mà có thật đấy các bạn ạ! Chả là họ nhà kiến chúng tôi có những ba cái dạ dày. Này nhé! Cái thứ nhất là dạ dày “cá nhân” để dùng cho bản thân. Cái thứ hai để tiêu hóa thức ăn khó tiêu. Còn cái thứ ba ở góc trên cùng, là dạ dày “tập thể” để dự trữ thức ăn và nước uống. Khi có ai trong gia đình (trẻ em, bà già, các chị mới đẻ) cần cung cấp thức ăn thì có thể bơm từ cái dạ dày “tập thể” sang cho. Theo qui định chặt chẽ của gia đình, dù có phải nhịn đói cũng không một ai được phép dùng thức ăn của mình đã dành ở trong dạ dày “tập thể”. Cùng lắm, chỉ được xin một ít thức ăn ở trong dạ dày “tập thể” của bạn bè hay họ hàng. Tất cả kiến chung sống trong một gia đình đông đúc, dù đông đúc đến mấy, cũng luôn thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau, sẵn sàng “nhường cơm xẻ áo” cho nhau. Ở chơi với các cậu em một lát, tôi sang chỗ các cô em gái. Chao ôi! Mới chỉ ít hôm không gặp mà chúng đã lớn phổng lên, giống mẹ tôi như đúc. Nom cô nào cô nấy cứ phây phây, cao lớn gấp mười lần tôi. Đôi râu trước kia ngắn tẹo nay đã dài chấm đất. Ba đôi chân cao nhưng hơi nhỏ và yếu. Đôi cánh mỏng dính đã sắp bắt chéo, dấu hiện đầu tiên của tuổi trưởng thành. Tôi rất vui mừng khi gặp lại một trăm hai mươi cậu em và năm chục cô kiến cánh đều hay ăn chóng lớn và ngoan ngoãn hiền lành. Nhưng trên đường trở lại nhà bà dì, tôi cứ phân vân lo lắng cho các em tôi, được cả nhà quá nuông chiều, lớn lộc ngộc cả rồi mà vẫn phải có người hầu kẻ hạ đến tận miệng. Không hiểu sau này ra đời chúng làm thế nào để sống tự lập được? Vừa về tới nơi, chị gác cổng cho biết phải chờ thêm vài ngày nữa. Thế là tôi đi vòng trở xuống thăm các chị kiến thợ đang làm việc trên công trường xây dựng ở phía sau tòa nhà, gần sát rừng cỏ gianh lá sắc như dao. Ngày đầu tiên tới công trường, tôi thấy một không khí lao động sôi nổi, khẩn trương lạ thường. Cả công trường xây dựng rộng lớn có hàng ngàn chị kiến đang hăng say làm việc. Chỗ này một tốp thợ đang mải miết đào đất. Chỗ kia một tốp khác đang hăng hái đánh hồ. Trên giàn cao, tốp thợ nề đang say sưa xây nhà lên cao mãi. Khắp các ngả đường, từng đoàn vận tải ngược xuôi như những con thoi. Trông thấy cảnh đông vui, tấp nập lạ thường, tôi thú quá, quên cả phép tắc, cứ chạy sồng sộc vào cửa. Lập tức tôi bị một chị bảo vệ chặn lại chạm râu hỏi mật hiệu. May mà lúc ấy tôi nhớ được bài học ở trường, rung râu đúng tần số, nên chị bảo vệ mới vui vẻ cho qua. Đi được một quãng, tôi gặp ngay các chị tôi đang mải đào đất trên một cái gò còn trơ gốc cỏ mới phạt. Họ xếp thành dãy dài, đầu quay về phía gò đất. Mỗi chị đứng trên bốn chân sau, còn đôi trước to và khỏe hơn cả thì uốn cong lại làm cuốc, rồi cứ thế mà cuốc đất lia lịa. Đất đá rơi xuống rào rào. Tôi lại gần một chị hỏi: - Chị ơi! Các chị cuốc đất ở đây để làm gì đấy? Một chị ngẩng lên đáp nhanh: - Để làm nhà trẻ em ạ! Dứt lời chị lại cúi đầu, bậm miệng, bổ xuống đất liên hồi. Một tảng đá to bằng hạt ngô kéo theo những cục đất nhỏ lăn xuống gần chỗ tôi. Mấy chị chực sẵn ở đấy nhanh nhẹn chạy ngay lại. Mỗi chị cắp chặt lấy một cục đất trong hàm, rồi nâng bổng lên đầu, chạy như bay. Còn lại một tảng đất to nhất tôi cứ đinh ninh rằng họ đành chịu bỏ. Một lúc sau tôi thấy mấy chị kiến vác đất lúc nãy trở lại rủ theo một chị kiến to đầu cao lênh khênh. Chị ngoạm hẳn lấy tảng đất to tướng trong hàm, kẹp vỡ tan tành. Bấy giờ mấy chị kia mới chạy đến vác những mảnh vụn chuyển đi. Thấy còn sót một cục nhỏ, tôi đem nốt cho các chị. Tới chỗ bức tường đang xây dở, tôi leo lên tận giàn giáo, định đưa cho chị thợ nề. Chẳng biết luýnh quýnh thế nào tôi lại đánh rơi ngay xuống đất. Cục đất vỡ vụn ra như cám. Tôi đang lúng túng chưa biết làm thế nào thì chị thợ nề đã nhẹ nhàng bảo: - Thôi! Không sao em ạ! Chuyển ra kia làm vữa cũng được. Tôi vội vàng tụt xuống, khép hàm răng lại làm xẻng, xúc đám đất vụn, đổ lên đống đất gần đấy. Một tốp thợ đứng quanh đó đang nhào vữa bằng miệng. Các chị cúi xuống, xúc một nắm đất lẫn đá và cỏ rác, nhào một lúc trong miệng, rồi nhả ra một chỗ. Nước bọt quyện với tất cả các loại nguyên liệu kia tạo thành một loại vữa rất nhuyễn và dính. Một chị vừa bỏ nắm đất vụn tôi vừa chuyển vào miệng liền nhả ra ngay. Tôi không hiểu chị ta “chê” chỗ đất đó vì lẽ gì. Chỉ thấy từ lúc đó chị ta dừng lại, đăm đăm nhìn ra cổng như đang chờ đợi ai. Bỗng chị ra reo lên sung sướng: - A! hay quá! Nước đến kia rồi! Tôi quay đầu lại, thấy mấy chị kiến lễ mễ đi tới như đang phải bê một vật gì nặng lắm. Nhưng khi các chị tiến lại gần, tôi chẳng thấy ai mang gì cả. Chẳng ngờ, đang lúc không để ý, tôi bị nước bắn tung tóe lên tận mặt, ướt sũng cả râu. Tôi vội vàng nhảy lùi xuống mấy bước. Lúc ấy,tôi mới thấy nước từ miệng các chị kiến mới đến phun ra như mưa. Đám đất vụn và khô trong phút chốc được tưới ướt đẫm. Hóa ra cái dạ dày “tập thế” kỳ diệu của họ nhà kiến, ở công trường này, còn được dùng để làm thùng đựng nước nữa. Cối vữa vừa đánh xong, thì một đoàn vận tải cũng rầm rập kéo tới. Tôi theo họ chuyển vữa đến một căn nhà có những mảng tường còn xù xì, nham nhở. Các chị thợ nề ở đây, với đôi bàn chân khéo léo, đang chát vữa lên tường nhanh thoăn thoắt. Những chuyến vữa đầy ăm ắp vẫn ùn ùn chở đến. Đúng trưa hôm sau, căn nhà mới đã xây xong. Tôi sung sướng ngước nhìn công trình to lớn, đẹp đẽ mới hoàn thành. Những chiếc cửa sổ hình bán nguyệt xinh xinh, nổi bật lên giữa những bức tường phẳng lỳ còn thơm mùi vữa mới. Những căn phòng vuông vắn đều đặn chạy dọc theo hành lang rộng thênh thang, dẫn đến tòa nhà lớn Trước cửa nhà, từng đoàn các cô kiến bé bỏng, chủ nhân của những căn phòng mới, đang lục tục kéo đến. Nom thật vui mắt. Các chị trong đội vận chuyển vữa và thợ nề tạm biệt tôi, rồi lên đường tiếp tục xây dựng những căn nhà khác. Còn tôi thì đi với một đoàn vận tải đang mải miết lao nhanh trên con đường cái rộng thênh thang, phẳng lỳ dẫn đến cuối công trường. Đoàn này đi hết đoạn đường nhẵn đến đoạn đường mới đắp gồ ghề, lủng củng thì dừng lại. Một tốp thợ làm đường đã có mặt ở đó. Họ dùng đôi chân trước làm đầm, nện xuống nền đường thình thịch, đầm đến đâu mặt đường bằng phẳng và nhẵn lì đến đó. Trên đường cái, từng đoàn vận tải vẫn nườm nượp chở vật liệu xây dựng đến. Lúc xế chiều, có một chị kiến ở “trạm khí tượng” chạy như bay đến chỗ tốp thợ đang làm đường. Chị ta rung râu báo tin mưa, rồi lại vun vút lao đến chỗ khác. Chẳng ai bảo ai, tất cả đều làm nhanh chân hơn. Tiếng đầm nện xuống nền đường nghe một lúc một dồn dập như một đội quân khổng lồ đang tiến đến gần, Một đoàn vận tải lao đến, vội vàng rải nhanh đất trên mặt đường. Chỉ trong phút chốc những đám mây đen đã phủ kín bầu trời. Gió cuốn bay mù mịt Tốp thợ kiên gan làm hết đoạn đường dở dang, mới chịu vào làn trú mưa. Chỉ chậm một chút là công trình lao động của họ đổ xuống sông, xuống biển. Những hạt mưa gõ lộp độp trên mái lán Gió rít điên cuồng ngoài cửa sổ. Nước mưa lạch qua chỗ dột, chảy tong tong xuống nền đất. Đoạn đường mới đắp vẫn vững vàng trong mưa gió. Sáng hôm sau, mặt trời vừa ló sau rặng cỏ gianh, tốp thợ đã nện đất thình thịch trên mặt đường. Trên các ngả đường, từng đoàn vận tải rộn rịp ngược xuôi. Cả công trường như một bộ máy khổng lồ bắt đầu chuyển động. Có thế coi mỗi tốp thợ như một bộ phận của máy. Tôi có cảm tưởng là mỗi bộ phận này đều được “tự động hóa” cao độ. Đến giờ, không ai bảo ai, tất cả đều vào việc, đâu vào đấy, đều răm rắp. Đất đá đi qua các bộ phận “chế biến,gia công” biến thành nhà cửa đường sá. Thật kỳ diệu, chỉ trong thời gian không lâu lắm, tập thể những chị kiến xây dựng ở đây đã xây dựng được một tòa nhà đồ sộ, cao ba mươi tầng, đủ chỗ cho một gia đình hàng vạn kiến ở. Tất cả đường đi lối lại trong nhà cộng lại dài phải đến hơn một trăm mét. Để hoàn thành công trình vĩ đại này, họ đã phải đào đắp một khối lượng đất đá tới sáu trăm nghìn mi-li-mét khối. Thật khó tưởng tượng nổi! Từ ngày đến thăm công trường, tôi mới hiểu được rằng, những công việc đòi hỏi sức lao động với kỷ luật, tự giác, chỉ có thể được hoàn thành tốt đẹp nhờ một tập thể to lớn, các chị biết phối hợp chặt chẽ trong lao động với kỷ luật tự giác. Chứ từng chị kiến làm ăn riêng rẽ, lẻ loi thì không bao giờ có thể làm nổi những công việc vĩ đại như vậy. Sau mấy hôm lưu lại chỗ các chị, đến mỗi chỗ một tí, tôi bèn về thẳng phòng mẹ với dì tôi. Một đám kiến đang xúm đông xúm đỏ trước cánh cửa hình bầu dục lúc ấy đang hé mở. Chị gác cổng vui vẻ loạn báo một tin vui, trong suốt năm ngày đêm vừa qua, dì tôi đã sinh được cả thảy mười hai nghìn trứng mới. Tôi lách qua đám đông, lọt hẳn vào trong căn phòng rộng rãi sang trọng. Dì tôi đang nằm im lìm trên chiếc giường kê giữa nhà Chắc bà mệt quá và thiếp đi. Nom mặt mũi dì tôi hốc hác, bụng tóp hẳn lại. Mấy chị kiến lên đứng xung quanh cứ ngáp ngắn, ngáp dài. Vừa lúc ấy mẹ tôi từ cửa phòng bên bước sang. Tôi vội vàng ôm chầm lấy mẹ, rưng rưng nước mắt như muốn khóc. Mẹ tôi ôm chặt lấy tôi vào ngực, vuốt ve âu yếm như hồi tôi còn thơ bé. Lúc này tôi mới để ý thấy hai sợi râu rất dài của mẹ tôi đã ngả màu. Cái lưng rộng đã hơi cong. Chân bước đi đã bắt đầu run rẩy. Cuộc sống quanh năm vất vả với đàn con quá đông đúc đã làm cho mẹ tôi chóng già quá. Lòng tôi bỗng trào lên một tình thương vô hạn đối với mẹ. Còn bà cứ hỏi han tôi hết chuyện này sang chuyện khác, từ tình hình sức khỏe, đến những ngày học tập trong trường. Mẹ tôi ngắm mãi bộ quần áo đồng phục lấp lánh ánh đồng của tôi mà không chán mắt. Tôi không bao giờ quên được buổi gặp gỡ hôm ấy và luôn ghi sâu trong lòng lời mẹ dặn khi tiễn tôi lên đường nhập ngũ: - Con ra đi, gắng làm tròn nhiệm vụ là mẹ vui lòng. TÊN TỘI PHẠM BỊ SA LƯỚI Vào quân đội, tôi được điều ngay đến đơn vị trinh sát. Chị đội trưởng cũng cao lớn như chị kiến to đầu khổng lồ mà tôi gặp ở công trường hôm nào, chỉ khác mỗi điểm là ba đôi chân cao thon hơn một chút. Thấy tôi tới, toàn đơn vị lập tức dàn hàng ngang, đứng đón tiếp rất long trọng. Chị đội trưởng bước tới ôm hôn thắm thiết.Trước hàng quân, chị dõng dạc tuyên bố: -Kể từ hôm nay, em trở thành đội viên trinh sát vinh quang. Em phải luôn giữ vững truyền thống của quân đội là dũng cảm, kiên cường, đoàn kết và quyết chiến quyết thắng. Tôi hăng hái giơ râu lên tuyên thệ: -Xin thề! Cuối buổi lễ, các bé chạy ùa đến, xiết chặt râu tôi, tỏ tình đoàn kết, sống chết có nhau. Chị đội trưởng báo cho tôi biết hôm sau sẽ lên đường làm nhiệm vụ Tối hôm ấy, chỉ có chuẩn bị mấy thứ lặt vặt mà tôi cứ lỉnh kỉnh mãi đến tận khuya mới đi ngủ. Đang ngon giấc, thì tiếng gà rừng gáy ran làm tôi bừng tỉnh. Nhìn lên bầu trời xanh mênh mông, tôi thấy những ngôi sao li ti như bị lu mờ trước những dải mây hồng ở chân trời đằng đông. Dần dần, dải mây hồng lan nhanh ra nhuộm thắm cả bầu trời cao lồng lộng. Chị đội trưởng liền hạ lệnh xuất phát.Toàn đội trinh sát lên đường. Chúng tôi tỏa ra bốn phía, rồi lao nhanh vào trong ừng cỏ rậm, thoáng một cái đã mất hút sau những cành lá um tùm. Trước mặt không có con đường nào vạch sẵn cả. Chỉ thấy cỏ cây đan vào nhau chằng chịt như mạng lưới. Xung quanh tuyệt nhiên không thấy một ai. Nhớ lại lời hứa trước toàn đội, tôi kiên quyết đi sâu vào trong rừng cỏ ngập lút đầu. Mặc dù còn lạ nước lạ cái, tôi vẫn cố len lỏi, xông xáo vào khắp nơi khắp chốn. Tôi đã qua hết những cánh rừng có gianh rợp bóng, cỏ sả thơm lừng và cỏ mật ngọt ngào hương đậm, rồi lại tạt qua cả những cánh rừng có gấu hăng hắc, cỏ gừng cay cay... Nhưng đã xế chiều rồi mà tôi vẫn không tìm thấy cái gì đáng kể. Không hề chán nản, tôi băng qua một cánh đồng chỉ có ánh sáng yếu ớt của buổi chiều tàn với một khu rừng bông rộng bao la bát ngát Từng dãy bông cành lá xum xuê, đứng xếp hàng thẳng tắp. Thỉnh thoảng một cơn gió nghịch ngợm bứt mấy chiếc lá vàng tung xuống đất, khiến cành cây kêu xào xạc. Vài ba chị chim rừng nhao nhác tìm về tổ ấm. Bóng tối buông dần xuống khu rừng mênh mông. Đường viền của những ngôi sao trên trời cao càng hằn lên rõ nét. Tiếng chim hót líu lo, thành thót lắng dần để nhường cho tiếng dế khóc rền rĩ, nỉ non. Bỗng nhiên, tôi cảm thấy dưới chân mình rung chuyển ầm ầm như động đất. Chiếc lá từ từ bị đội lên cao, rồi lật úp xuống. Đất đá rơi xuống lộp bộp như mưa rào. Tôi chỉ thoáng trông thấy một cái đầu to khủng khiếp từ dưới đất nhô lên. Chiếc lá úp chụp lấy tôi. Con quái vật giẫm lên chiếc lá làm gân lá oằn hẳn xuống. Tôi đinh ninh phen này thế nào cũng bẹp ruột. May thay, tôi lọt vào chỗ gân lá kênh lên.Thật là hú vía. Quái vật rời khỏi chiếc lá, chậm rãi tiến đến gốc bông gần đó Trong bóng tối, tôi chỉ thấy mờ mờ một thân hình rất đồ sộ, to bằng bác Giun đũa, dài bằng tên khổng lồ Cào cào, đang lặng lẽ chuyển động. Nom qua dáng bò lết và cái lưng gù lên, tôi đoán chừng đó là một gã Sâu Xám cao tuổi mò đi ăn đêm. Lão bám vào thân cây hì hục leo lên. Không bỏ lỡ một giây, tôi bí mật leo sát phía sau. Đến lưng chừng thân bông, lão dừng lại vớ lấy một chiếc lá nhai xoàn xoạt. Lót dạ xong, lão đủng đỉnh leo tót lên ngọn cây. Ở đây, lão mới ung dung nằm ngắm bầu trời sao lấp lánh, miệng tóp tép nhai những lá bông non ngon ngọt. Trời về khuya rừng cây đã yên ngủ, chỉ còn tiếng dế kêu buồn bã là tiếng gặm lá xoàn xoạt.Trong khi theo dõi hoạt động của lão Sâu, tôi chợp mắt ngủ quên lúc nào không biết. Những tia nắng ban mai len qua kẽ lá đánh thức tôi dậy, Tôi nhìn lên ngọn cây thì thấy búp non đã bị gãy gục, thủ phạm đã trốn mất, không còn thấy tăm hơi đâu nữa. Tôi cứ thơ thẩn trên ngọn cây, ngơ ngơ ngác ngác. Giữa lúc ấy, trên nền trời xanh phớt hồng bỗng thấy vô số những chấm đen li ti. Chúng hiện lên mỗi lúc một rõ hơn. Tiếng đập cánh vo vo to dần lên. Đang bay, chúng tự nhiên sà xuống cây bông rào rào tưởng như muôn ngàn giọt mưa đang trút xuống vòm lá. Hoảng quá, tôi vội vàng lẩn ngay xuống dưới mặt lá. Ở phía dưới nhìn qua tấm lá mỏng màu xanh, tôi chỉ thấy một vật lạ màu đen, nhỉnh hơn hạt vừng, đang lặng lẽ đi ra mép lá. Tôi vừa kịp tụt xuống gốc cây lá thì thấy hai cái râu đen và mảnh như hai sợi tóc thò ra ngó ngoáy. Liền theo đó là một bộ mặt xấu xí và dữ tợn hiện ra.Đôi mắt đen trâng tráo, lồi lên như mắt cua. Cái trán hằn sâu mấy gợn nhăn đầy vẻ lì lợm. Ngay giữa mặt là cái vòi dài và nhọn, giống hệt vòi hút nhựa của Ve sầu. Chỉ thoáng trông, tôi đã nhận ra ngay chân tướng của mụ Rệp cây. Mụ khéo léo quặp đôi chân ngắn và nhỏ vào mép lá, cánh đập vù vù để giữ thăng bằng. Bất thình lình, mụ nhào hẳn xuống như lộn cầu vồng. Khi cả sáu bàn chân đã bám chắc vào mặt dưới lá, mụ mới từ từ khép đôi cánh cũn cỡn, che không kín nửa cái bụng đen sạm lằn lên những ngấn. Hai bên thành bụng tròn trịa, chĩa ra hai gai thịt như hai cái sừng ngắn. Dưới đuôi trổ ra một túm lông nhỏ và thưa. Từ mép lá mụ Rệp bò dần vào giữa. Tôi nằm sát gốc lá, không dám ho he một tiếng. Đang đi, mụ dừng lại, thận trọng đưa mắt nhìn quanh. Cũng may mà bộ quần áo của tôi lẫn với màu đỏ ở cuống lá. Không thấy động tĩnh gì, mụ Rệp yên trí giơ vòi lên đâm phập vào thịt lá. Chiếc lá khẽ run rẩy như đau đớn, nhựa ứa ra trắng như sữa. Mụ Rệp điềm nhiên đứng chống râu, uống nhựa bông một cách thích thú. Một lát sau, thấy mụ cựa mình, rỏ những giọt keo trong như thủy tinh xuống mặt lá. Những giọt này quánh lại như mật đặc, bịt lấy một số lỗ thở của lá. Các lỗi khác ở quanh đó nhất loạt khép lại. Xong xuôi mụ ta mới rút vòi ra kẹp vào ngực. Vừa đi vừa ve vẩy đôi râu, nom đến ghét. Qua chỗ khác, mụ Rệp lại cắm vòi vào lá hút nhựa bông, rồi rỏ tiếp những giọt kéo dính nham nháp. Tôi thấy mụ ta cứ làm đi làm lại công việc ấy suốt từ sớm đến tối mịt mà không hề biết chán. Ban đêm, khi rừng cây đã yên ngủ, tôi lại nghe thấy tiếng dế khóc não nề và tiếng gặm lá xoàn xoạt, Sáng hôm sau lại thêm một búp non bị gục. Còn mụ Rệp thì đã có mặt trên lá bông từ sớm tinh mơ để uống nhựa. Mới sau một ngày ăn uống no nê, mụ Rệp đã đẫy hẳn ra. Cái bụng tròn trịa sệ hẳn xuống. Hai cái sừng vểnh lên. Chân lê lệt sệt trên lá. Biết chắc mụ Rệp chưa thể đi đâu xa, tôi đi khắp các cành lá để xem xét tình hình. Nguy quá! Bọn Rệp đã đổ bộ xuống nhiều nơi trên cây bông. Nom chúng chẳng khác gì mụ Rệp tôi gặp đầu tiên. Chúng nhanh chóng chiếm các những điểm cao trên ngọn bông và đầu cành. Quân Rệp đóng dày đặc nhất ở các búp và lá non. Trong khi đó chúng vẫn tiếp tục đổ quân xuống. Hình như chúng đang sửa soạn tiến vào rừng bông. Lạ nhất một điều là trong đám hàng chục ngàn quân Rệp này chỉ toàn là “con gái”. Đến chiều, khi tôi quay trở lại chiếc lá có mụ Rệp đầu tiên thì thấy một cảnh tượng rất lạ. Trên những đống keo rệp hôm qua đã mọc lên những vườn nấm trắng xóa. Lừa lúc mụ Rệp đang mải ăn, tôi lẻn vào một vườn nấm xem xét. Thân nấm mảnh và rỗng. Cây cao, cây thấp, không đều. Chúng đan vào nhau những búi lớn. Có những cây trên đầu lại phình ra như đội một quả cầu nặng. Dưới gốc, hệ rễ phát triển mạnh đến nỗi mặt lá bông phồng rộp lên như bị bỏng. Tôi nghiến răng nhổ bật một cây nấm lên, rễ của nó dính lằng nhằng với các cây khác làm thành một mạng lưới. Thì ra những cây này đều chung một hệ rễ bò lan rất rộng như cỏ dại để hút được nhiều nhựa cây. Tôi bỏ vào miệng nhấm thử một ít nấm. Nhưng thân nấm dai ngoanh ngoách và hăng sì, không tài nào nuốt nổi. Khi nhìn đến mụ Rệp, tôi thấy ở dưới cái bụng tròn lẳn của mụ một đống gì lổn nhổn như đống cuội. Khó mà tin được đó là đống trứng đặt dưới bụng. Không hiểu sao, suốt từ nãy mụ Rệp cứ thay đổi chỗ luôn. Mới đầu tôi cũng hơi chột dạ. Hay mụ đã biết có kẻ theo dõi chăng? Sau tôi mới hiểu mụ đang đói cuồng lên vì thiếu nhựa uống. Mụ đi khắp mặt lá, đâm hết chỗ này lại chọc chỗ khác mà vẫn chẳng ăn thua gì, cuối cùng chỉ để lại trên mặt lá những vết thương tím bầm. Chiếc lá héo hon ủ rũ. Mặt lá xanh nhợt. Mép lá se lại, quăn queo. Tôi có cảm giác như lá bông non chỉ còn thoi thóp thở qua một số lỗ còn sót lại chưa bị keo Rệp bít kín. Mãi tới khi nhận ra lá bông không còn nhựa sống nữa, mụ Rệp mới leo xuống cuống, định mò sang chỗ khác kiếm ăn. Không bỏ lỡ một giây, tôi nhảy ra chắn ngay giữa đường, miệng hô lớn: -Đứng lại! Mụ Rệp giương đôi mắt lồi nhìn tôi có vẻ khinh thường họ nhà Kiến lắm. Mụ ve vẩy đôi râu, rồi cứ cúi gầm mặt xuống tiếp tục bước đi không coi ai ra gì. Tôi bèn đứng co hai chân trước vào ngực giữ thế thủ. Đợi mụ đến đúng tầm, tôi mới vung chân đá một cái thật mạnh. Bị một cú như trời gián vào đúng giữa mặt, mụ Rệp loạng choạng suýt ngã. May nhờ có đôi cánh kịp thời xòe ra, mụ mới lấy lại được thăng bằng. Đang say đòn, mụ Rệp chĩa vòi xông tới. Mụ chồm hẳn hai chân lên đầu tôi, giơ cao vòi, nhắm cổ tôi bổ thẳng xuống. Nhưng tôi đã nhanh chóng lùi lại. Cái vòi nhọn hoắt đâm phập vào cuống lá, ngập đến nửa. Thừa lúc mụ còn đang lúng túng chưa kịp rút vòi ra, tôi nhảy xổ tới, tóm chặt lấy râu, vít cổ xuống. Mụ ta đau quá, hoảng hốt giật mạnh ra. Chẳng dè tôi nắm khá chặt, sợi râu bên phải của mụ đứt luôn mấy đốt ở ngọn. Mụ Rệp quặp râu lại, quay đầu định chạy trốn. Nhanh như sóc, tôi chồm lên lưng mụ, tóm chặt lấy cổ, điệu thẳng về nhà. Thấy tôi trở về bình an vô sự, lại dắt theo một tên tù binh, chị đội trưởng mừng rỡ chạy ra tận cổng đón vào nhà. Các bạn bè trong đội xúm lại hỏi han và chạm râu chúc mừng chiến công đầu của một đội viên trẻ. Tôi quẳng mụ Rệp ra giữa sân. Mụ nằm sóng soài trên mặt đất, chiếc râu cụp buồn bã rũ xuống. Đôi cánh nhàu nát, rách tả tơi. Cả nhà kéo đến xem mặt tên tù binh mới. Mỗi lần có ai chạm đến râu cụt, mụ Rệp lại ngọ ngoậy chiếc râu còn lại, miệng làu bàu tỏ vẻ khó chịu. Một lát sau, tôi được lệnh dẫn tên tù binh vào. Chị đội trưởng hỏi rất lâu. Nhưng mụ Rệp nhất định không trả lời. Đôi mắt lồi nhìn tôi gườm gườm. Cái trán nhăn lại, gồ lên, khiến bộ mặt dữ tợn của mụ càng thêm lì lợm. Không thể nhịn được nữa, tôi sấn ngay đến trước mặt mụ, giơ cao chân lên. Chắc hẳn mụ Rệp vẫn còn nhớ cú đá trời đánh ban chiều, nên mụ cúi mọp đầu xuống chân tôi, quặp râu lại, rối rít lạy van. Theo đúng lời khai thì mụ vốn gốc quê ở rừng Bông. Mụ sinh ra giữa mùa Đông giá rét. Khi mùa xuân ấm áp trở về, cỏ cây lại đâm trồi nảy lộc. Chị em mụ Rệp ẩn náu trên những cây cối xay, đay, đậu…ở quanh vùng, chỉ chờ cơ hội này là lũ lượt kéo về cửa rừng Bông phía Đông. Chúng định tiến vào khu rừng xanh tươi. Chẳng ngờ, mụ Rệp vừa chân ướt chân ráo đến cây Bông đã bị tôi bắt được. Mụ ta còn lộ ra một điều rất bí mật của họ nhà Rệp là “tất cả các mụ Rệp bay sang rừng Bông đầu mùa xuân đều không có chồng”. Thế mà mụ nào cũng có thể đẻ được một lúc hàng chục trứng. Chính những quả trứng ấy cũng lại nở toàn lũ con gái. Có lẽ vì bọn này không có đôi cánh trên lưng như mẹ chúng nó, nên chúng cũng chẳng cần tuân thủ phong tục tập quán lâu đời của phần lớn các gia đình côn trùng là phải đẻ ra trứng trước, rồi trứng mới nở thành con. Lũ con gái không cánh và không chồng này lại đẻ thẳng ra con. Mỗi ngày cứ sòn sòn bốn đứa. Điều đáng kinh khủng hơn nữa là mỗi năm một Rệp mẹ có thể sinh ra ít nhất hai mươi đến ba mươi lứa. Cứ theo đúng lời khai của mụ Rệp thì chỉ trong vòng một năm nữa thôi, lũ con, cháu, chắt, chút, chít… của mụ Rệp cụt này cũng có thể lên tới 17.000.000.000.000.000.000.000.000.000.000 đứa. Nếu như tất cả bọn này đều sống cả, thì chúng có thể phủ kín trái đất chúng ta đang ở. Chị đội trưởng hỏi han xong, tôi lại dẫn tên tù binh vào một nhà giam ở tầng dưới cùng. Trước khi lên ban chỉ huy báo cáo và nhận lệnh, chị đội trưởng quyết định thưởng công cho tôi một ngày phép, Mặc dù thời gian eo hẹp, tôi cũng cố đến giúp các em gái chuẩn bị ra ở riêng. Trong căn phòng cao ráo, đẹp đẽ dành riêng cho các em tôi, không khí chuẩn bị cho ngày cưới thật là tưng bừng náo nhiệt. Ngay gần cửa ra vào, một tốp đang đưa chân lên đánh răng. Mấy chị giữ trẻ xúm quanh một cô, sửa đi sửa lại chiếc áo cưới trắng tinh kêu loạt xoạt. Cô lớn nhất đứng một mình ở góc nhà, nghiêng đầu chải râu. Vài ba cô cứ chạy đi chạy lại tíu tít như trẻ con. Giữa nhà có một đám đông các cô quây quần quanh một chị lớn tuổi đang kể lại đám cưới của bố mẹ tôi ngày xưa. Tôi lần lượt đến từng cô, giúp các em sửa lại quần áo và dặn dò các em những điều cần thiết trước khi các em đi xa. Về tới đơn vị, tôi được chị đội trưởng cho biết là dựa vào tin tức của đội trinh sát và lời khai của tên tù binh. “Bộ chỉ huy” quyết định mở một trận đánh bất ngờ vào rừng Bông. Nếu để chậm trễ rất nguy hiểm. Chẳng bao lâu, quân Rệp sẽ tăng lên tới hàng triệu triệu quân. Với số đông như vậy, chúng sẽ mở rộng mặt trận ra toàn bộ rừng Bông. Lúc bấy giờ thì quân ta khó mà thắng nổi. Không khéo bọn Rệp sẽ diệt cả rừng Bông trước mùa quả chín. Tôi và các bạn trong đội lại sửa soạn lên đường. Quân Kiến ráo riết chuẩn bị suốt hai ngày liền. Tình cờ, ngày ra trận lại đúng vào dịp cưới của các em tôi. ĐỌ SỨC Buổi sáng hôm ấy, trời xanh như lụa. Nắng lung linh trên mái gianh, ngọn cỏ đẫm sương đêm. Những cánh chim bay qua bầu trời buông từng tiếng hót rơi thánh thót. Gió lay cành vông vang hoa vàng đu đưa trước cửa. Những bông hoa ké màu hồng như những chiếc đèn lồng treo lủng lẳng trên cành. Đây đó, những ngù hoa sắc trắng, sắc vàng điểm tô trên thảm cỏ xanh rờn. Cả họ nhà Kiến đã đến dự đám cưới rất đông đủ. Những cô Kiến trẻ măng, mặc quần áo ngày hội rực rỡ, đứng túm năm tụm ba ở giữa sân. Trên bậc thềm, các bà và các chị lớn tuổi đang chuyện trò vui vẻ. Hai vợ chồng anh Bọ Rùa hàng xóm đang đứng tíu tít trên cành hoa vông vang vàng tươi, dưới cột nhụy treo đầy bao phấn. Cả hai nổi bật với chiếc áo mai rùa đỏ chói, điểm hoa đen vàng óng. Mỗi khi có cơn gió nhẹ đến lay cột nhụy thì anh Bọ Rùa lại phải lấy đôi râu ngắn cũn của mình phủi sạch những bao phấn vàng ươm rắc lên mái đầu vợ. Một điệu nhạc tưng bừng, rộn rã nổi lên báo hiệu buổi lễ sắp sửa bắt đầu. Hai chị lính gác đang sửa lại râu trước cửa vội vàng đứng lại nghiêm trang. Khách đến dự nô nức đổ về con đường nhỏ rắc đầy hoa mà lát nữa cô dâu chú rể sẽ đi qua. Từ trong khung cửa lớn, lần lượt hiện ra những cô dâu xinh đẹp, lộng lẫy trong bộ áo cưới trong xanh mỏng nhẹ như áng mây chiều. Đôi râu dài óng mượt thướt tha bay trong gió. Các cô đi bên nhau, đôi mắt long lanh, miệng cười tủm tỉm. Những tà áo dài nhấp nhô tựa sóng gợn. Theo sát phía sau là các chú rể béo múp míp, đĩnh đạc trong bộ cánh màu nhạt, nổi lên những đường gân đan mạng lưới. Các cậu đi bên nhau, đầu lắc lư, mắt lim dim, râu vểnh hai bên. Khách đến dự đứng chật ních hai bên đường. Cuối buổi lễ, các cô dâu xòe rộng đôi cánh, nghiêng mình chào rồi cùng tung cánh bay vút lên trời cao lồng lộng. Các chú rể cũng đứng chụm chân, gật đầu chào rồi vội vàng lao lên bám sát phía sau. Hai vợ chồng anh hàng xóm cũng xòe đôi cánh khum khum như nửa hai nửa vỏ hạt dẻ bay theo tiễn biệt. Bóng họ nhỏ dần rồi khuất sau rặng cỏ lông công đang vung vẩy những ngù hoa trắng như bông, lưu luyến vẫy chào. Bay chưa được bao lâu, các chú rể lại rơi vào tình trạng bi thảm như bố tôi trước kia. Trong chuyến bay giao duyên lần đầu tiên cũng đồng thời là lần cuối cùng trong đời, tất cả bọn họ đều bị kiệt sức dần, lần lượt ngã xuống đất. Còn các cô dâu thì vẫn tiếp tục bay lượn trên bầu trời một thời gian nữa mới chịu hạ cánh. Theo như nguyện vọng của mẹ tôi, chị đội trưởng để lại một tiểu đội trinh sát để giúp đỡ các cô dâu trong trong buổi đầu khó khăn, không nơi nương tựa. Thấy tôi am hiểu tình hình rừng Bông, nên chị đội trưởng cử tôi dẫn đường cho đoàn quân ra trận. Đến giờ lên đường, tôi kiêu hãnh đi đầu hàng quân, đôi râu quay tứ phía, mắt chăm chú dò theo những dấu vết quen thuộc đã chìm trong cỏ cây đất cát. Chị tôi đội trưởng đi theo bén gót. Đoàn quân Kiến nối đuôi nhau dài dằng dặc lặng lẽ đi theo sau. Cứ mỗi trung đội lại có một chị Kiến to đầu khổng lồ đi kèm. Tôi dẫn đoàn quân đi xuyên qua rừng cỏ rợp bóng rồi đổ ra cánh đồng bằng phẳng, ngập nắng. Ông mặt trời đỏ như lửa đã nhô lên khỏi ngọn cây bông cao nhất như cố nhìn cho rõ đoàn Kiến nhỏ li ti, chẳng khác gì một dòng máu đỏ chảy về rừng Bông. Tới cửa rừng phía đông, tôi dừng lại dưới bóng cây quen thuộc. Quân Kiến dồn lên đông nghịt quanh gốc bông. Chị đội trưởng dẫn đầu đoàn quân lao lên cây như một mũi trên nhọn. Trận đánh đầu tiên diễn ra ngay dưới chiếc lá gần một cành quả. Ở đây bọn Rệp mải tranh ăn nên canh gác rất lơ là. Quân Kiến đã tiến sát tới gốc lá rồi là lũ Rệp vẫn còn ung dung đứng chống râu uống nhựa cây. Chị đội trưởng nhảy xổ vào giữa đám Rệp. Nhanh như cắt, chị vồ lấy một tên rồi dùng bộ hàm khỏe kẹp chết tươi. Tôi cùng đoàn kiến ào ào xông lên. Bị đánh bất ngờ, quân địch phần lớn chưa kịp cất cánh đã bị tiêu diệt ngay tại trận. Tôi giết chết mấy tên Rệp mải ăn đến nỗi chưa kịp rút vòi ra khỏi thịt lá. Số còn lại không dám chống lại, cặp chặt ngòi vào ngực, tìm đường chạy trốn. Quân Kiến tiếp tục đuổi theo giết gần hết. Chỉ còn vài tên kịp cất cánh bay sang lá khác. Quân Kiến nhanh chóng chiếm thân bông, rồi đánh thốc lên ngọn. Ở điểm cao này chúng tôi đã vấp phải địch. Trong búp ngọn và dưới các lá non, quân Rệp nấp trong những khu vườn nấm rậm rạp kín đáo. Chúng xếp những đống trứng làm chướng ngại vật và rải những bãi keo đặc quánh dính nham nháp làm cạm bẫy. Thấy vậy, tôi chưa kịp ngăn lại thì một chị Kiến to đầu dũng cảm vượt lên phía trước, xông thẳng vào trận địa của quân Rệp ở dưới một cái lá to. Chị vượt qua một đống trứng, nhưng lại sa vào cạm bẫy của kẻ địch. Keo rệp bết vào râu, bắn tung lên đầu, ngập lút chân cẳng. Thật khó mà lê được một bước trên mặt lá. Những chiến sĩ khác tiếp tục xông lên cũng không thoát khỏi số phận không may như chị Kiến to đầu. Để tìm đường cho quân Kiến tiếp tục đánh đồn, chị đội trưởng bèn dẫn một tiểu đội trinh sát tiến vào trận địa. Chị khéo léo lọt qua được nhiều hàng rào cạm bẫy của địch. Thế mà lúc vào tới vườn nấm, chị lại chạm phải một bãi keo rệp. Với đôi chân còn chưa bị dính, chị cố lê mình vào vườn nấm rậm rạp, ngờ đâu, vườn nấm như một tấm lưới ghê gớm úp chụp lấy chị. Những cây nấm đan xen vào nhau lùng nhùng, dính chặt lấy những chỗ có keo rệp, chẳng khác gì những gút tơ của mạng nhện. Chị càng ra sức giãy giụa, càng bị quấn chặt hơn. Quả nấm đen thui rơi xuống đầu bôm bốp. Cả tiểu đội trinh sát theo sau đều bị dính keo, cố lê vào định cứu chị đội trưởng. Nhưng không một ai trong họ thoát khỏi tấm lưới ghê gớm ấy. Trong khi quân Rệp mỗi lúc một tới gần chị đội trưởng và các chiến sĩ bị nạn. Trước tình thế nguy hiểm ấy, tôi cùng quân Kiến lại ào ào xông lên. Những chiến sĩ bị gục ngã làm thành nhịp cầu cho lớp sau tiến lên. Cuối cùng quân Kiến cũng đã vào được vườn nấm. Bọn Rệp hoảng sợ quay đầu ù té chạy trốn. Tôi cùng một số chiến sĩ vội chạy đến giải thoát cho chị đội trưởng và những chiến sĩ bị nạn. Quân Kiến vẫn tiếp tục đánh đuổi bọn Rệp trong vườn nấm. Những cây nấm rung lên bần bật như sợ hãi. Rệp nằm ngổn ngang dưới gốc cây. Từng chùm quả nấm đen thui rụng xuống rào rào như mưa. Từ trên cao nhìn xuống, tôi thấy hai đoàn quân Kiến chuyển động chầm chậm như hai dòng máu đỏ chảy ngược chiều. Dòng trôi xuôi, quanh co uốn khúc, cuồn cuộn chảy vào rừng Bông. Dòng chảy ngược, cuốn theo cả trứng lẫn rệp, chậm rãi trôi về rừng cỏ rậm. Chốc chốc, hai dòng máu như chập vào nhau trong giây lát, ở những chỗ có các cuộc chạm râu thân ái, rồi mỗi dòng lại vội vã chảy miết. Trên cây bông, càng về chiều cuộc chiến càng gay go, ác liệt. Mặt trận lan dần từ lá này sang lá khác, từ cành nọ sang cành kia. Khi tiến đến gần sát một chiếc lá vàng vọt, héo hon, tôi mới nhận ra đó là chiếc lá mấy hôm trước tôi đã chạm trán với mụ Rệp cụt. Mặt dưới lá, những mảnh vườn nấm nhỏ bé nay đã liền với nhau thành một khu vườn lớn, mọc lan ra đến gần mép lá. Đống trứng lổn nhổn hôm nọ biến mất. Quanh mép lá tôi chỉ thấy một lũ Rệp non đang đứng rũ râu, đầu gục xuống mặt lá. Có lẽ chúng đang buồn bã thất vọng trước cảnh nghèo nàn, xơ xác mà mẹ chúng để lại cho con cái: không có gì ngoài chiếc lá bông bệnh hoạn đã bị rút cạn hết nhựa. Nhác thấy bóng tôi leo lên gốc lá, lũ Rệp non đã sợ hãi, nhốn nháo khác thường. Chúng chưa kịp chạy vào vườn nấm, thì một trận gió hung hãn đã xông tới quất túi bụi vào cây bông. Cành cây oằn oại rên siết, vòm lá vật vã tả tơi. Gió gầm rít tung lũ Rệp non lên cao, rồi cuốn đi mất. Tôi chỉ kịp nằm ép xuống mặt lá, quặp râu lại, chân bấu thật chặt. Chiếc lá rung lên bần bật như giãy chết, rồi lặng lẽ rời khỏi cành, liệng đi liệng lại trên không như một cánh dơi. Cuối cùng, nó cũng đành phải đặt tôi nằm xuống cạnh những chiếc lá chung số phận hẩm hưu như vậy. Gió vẫn tiếp tục bứt khỏi cành những chiếc lá bị Repek và nấm giết hại, nếm tới tấp xuống đất. Nhìn cây bông xơ xác, tiêu điều, tôi lo cây sẽ chết rũ vì trụi lá. Nhưng khi thấy quân Kiến vẫn bền gan chiến đấu với lũ phá hoại trên cây bông, lòng tôi lại tràn ngập niềm tin và hy vọng. Lập tức tôi vùng dậy, rồi khỏi chiếc lá đã chết, nhập ngay vào đoàn Kiến đang náo nức đi ra mặt trận. Đi đến gần gốc bông, tôi thấy quân mình ở phía trên tự nhiên rồi loạn. Dòng Kiến bị tắc nghẽn lại, rồi dần dần ùn lên như những lần gặp phải con sông lớn trên đường hành quân. Tôi không thể nào lách được qua đám đông, nên đành phải đứng trên đống gạch cao xem xét tình hình. Thì ra quân Kiến đang bị một kẻ địch có thân hình đồ sộ chắn ngay giữa đường. Tưởng ai hóa ra lão Sâu xám mọi đêm tôi vẫn thấy gặm lá xoàn xoạt ở trên cây bông. Gớm! Hôm nay trời đi vắng hay sao mà lão lại chịu khó mò đi kiếm ăn sớm thế? Ấy, cũng nhờ vậy mà tôi mới thấy rõ mặt tên thủ phạm vẫn lén lút cắn phá bao nhiêu búp bông đang lên mơn mởn. Kể ra mặt lão cũng không thấy gì làm dài lắm, nhưng phải cái bộ hàm hơi bạch và choãi ra phía trước nom như là “mặt lưỡi cày”. Trán hẹp lại hói bóng. Không hiểu có phải ngày nào lão cũng hì hục đào đất hay sao mà trên đầu lão chẳng thấy một sợi tóc. Hai cái râu ngắn ngủn, dính đất bê bết, tưởng như từ bé đến giờ lão chưa hề cọ rửa râu ria. Đôi mắt lão hấp háy gian giảo. Mùa đông đã trôi qua rồi mà lão vẫn khư khư quấn chặt quanh mình một tấm áo da xám xịt như trát tro. Có lẽ đây là chiếc áo có màu sắc hoàn toàn hợp với nghề “ăn sương” của lão. Thảm hại nhất là cái lưng lão lại dài quá khổ. Nom thật chẳng cân đối tí nào với cái đầu chỉ ngắn một mẩu. Tám đôi chân được cái to, nhưng rủi một nỗi lại ngắn chùng chùng. Bởi thế, cho dù lão Sâu cố đi đứng cho ra vẻ oai vệ nhưng nom vẫn như bò lê lết. Mỗi bước đi lão lại ráng sức gù lưng lên cho thật giống họ nhà tôm. Đôi chân cuối lết đi một quãng, rồi xòe bàn chân ra, bám chặt lấy đất làm điểm tựa. Từ đó lão duỗi thẳng lưng ra đồng thời những đôi chân trước cũng bước lên một vài bước. Thế là lê đi được một quãng. Quân Kiến bị ùn lại mỗi lúc một đông. Lão Sâu vẫn lừ lừ tiến đến ngày một thêm gần. Quân Kiến kiên quyết không chịu lùi bước. Họ đứng sát vào nhau, kết thành một khối vững chắc, sẵn sàng đương đầu với kẻ thù to lớn khủng khiếp. Lão Sâu hùng hổ xéo bừa lên những chị Kiến dũng cảm đi đầu. Nhìn quân Kiến bị dẫm nát, quằn quại dưới chân mình, lão Sâu lại còn nhe răng cười khoái trá. Sau những phút giây bối rối đầu tiên, quân Kiến đã kịp thời đánh lại. Một chị Kiến to đầu leo lên, thí cho lão một nhát vào sườn. Lão co rúm lại, nhe bộ răng đen, cong và bẹt như lưỡi hái, muốn nghiến nát kẻ vừa đâm mình, Quân Kiến không hề khiếp sợ. Họ cứ lăn xả vào kẻ địch mà cắn tơi bời. Lão Sâu đau quá, hết cong lưng vào lại duỗi bụng ra, đầu thì quay bên nọ, ngảnh bên kia. Lúc này quân Kiến đã leo lên bám dày đặc, trên chiếc áo da xám xịt của lão Sâu bị rách tả tơi, lòi cả thịt. Núng thế, lão liền dùng cách lăn đi lộn lại trên mặt đất, hòng đè bẹp những kẻ địch bé nhỏ dưới sức nặng của mình. Chị Kiến to đầu bị giập cả bụng mà vẫn không chịu nhả hàm răng đang ngập sâu vào sườn lão già. Nhiều chị khác bị què chân, gãy râu…cũng không chịu rời bỏ cuộc chiến đấu. Vùng vẫy được một lúc, lão Sâu nằm thở hồng hộc, khắp mình mẩy lấm bụi trắng xóa. Không bỏ lỡ thời cơ, tôi dẫn một tiểu đội nhảy lên nhất loạt tiêm nọc độc vào giữa bụng kẻ địch. Lão ta giãy lên đành đạch như đỉa phải vôi, rớt rãi xanh lè như nước mật sùi ra hai bên mép. Tôi bồi thêm nhát nữa vào gáy. Vài phút sau lão nằm im như khúc gỗ, chân co quắp lại. Các chiếc sĩ nhỏ bé anh hùng đã thắng được kẻ địch lớn mạnh gấp trăm lần. Họ quên cả mệt nhọc, hò nhau xúm vào công kênh xác lão Sâu béo ị lên, đưa ngay về nhà. Thế là con đường bị tắc nghẽn bấy lâu nay lại được thông suốt. Hai dòng Kiến lại tiếp tục chuyển động ngược chiều. Đội nữ cứu thương cũng vội vã chạy đến chỗ vừa xảy ra đánh nhau. Tôi theo ngay họ đến chỗ chị Kiến to đầu bị thương nặng nhất. Bụng chị giập nát, ruột lẫn với cát bẩn thỉu nhầy nhụa. Nguy hiểm nhất là cái dạ dày “tập thể” bị bục đôi chỗ. Chị cứu thương đang nhẹ nhàng dùng đôi râu mềm mại khám vết thương. Chị không chút nề hà, thè lưỡi liếm sạch đất cát bẩn thỉu trên vết thương, rồi giao cho tôi đưa ngay chị Kiến to đầu đi cấp cứu. Rủi thay, khi tôi đưa về đến nơi thì chị Kiến đã tắt thở. Chôn cất tử tế xong xuôi, tôi định trở lại mặt trận thì nhận được lệnh sáng hôm sau được đi theo đoàn đại biểu các nhà khoa học Việt Nam dự hội nghị quốc tế về Kiến họp tại Mát-xcơ-va. Trước khi đi, chị đội trưởng còn trao cho tôi một bản tin chiến thắng mới nhận được, in trên lá bông để tôi mang tới hội nghị. CUỘC HÀNH TRÌNH VÒNG QUANH THẾ GIỚI Một hồi còi rúc lên như thét. Con tàu dài dằng dặc từ từ rời khỏi sân ga, đưa đoàn chúng tôi đi xa dần quê hương xứ sở. Tiếng bánh sắt nghiến vào đường ray kêu ken két. Cột điện, cây cối, làng xóm, thành thị lao vút về phía sau. Ông trưởng đoàn đại biểu là một ngườ to lớn. Mắt ông đeo kính. Trán hói lên tận đỉnh đầu, chỉ còn lại một vành tóc bạc lưa thưa. Ông luôn đem theo bên mình cái hộp nhựa to bằng bao thuốc lá. Mỗi khi cần trò chuyện với tôi qua tiếng Kiến, ông mới kéo một cái cần dài và cong như cần câu vẫn giấu trong hộp đó ra. Xong xuôi, ông lại ấn thụt vào trong cái hộp lạ ấy. Suốt chuyến đi, ông xếp cho tôi ở trong một căn phòng vuông vắn bằng bìa cứng, cửa sổ lắp giấy bóng kính. Bữa ăn hằng ngày của tôi thường là mười cái bánh trứng rệp rán bằng dầu hạt bông. Thêm vào đó là một đĩa thịt sâu hồng, sâu loang hay sâu xám…đóng hộp. Ăn xong, tôi lại uống một cốc xi-rô rót từ Lầu mật ở gân lá bông. Mặc dù đã sống ở rừng Bông khá lâu, nhưng quả thật là mãi đến chuyến đi lịch sử ấy, tôi mới may mắn biết rằng con người có thể chế biến từ cây bông tầm thường rất nhiều thứ quí giá. Bấy giờ, tôi mới hiểu được vì sao họ lại trồng nhiều bông và chăm chút cẩn thận hơn tất cả các loại rừng khác ở quê tôi. Dọc đường tôi càng cảm nhận thấy niềm vinh dự lớn lao, vì đã đi dự hội nghị rất quan trọng này cùng với họ. Chắc hẳn gia đình tôi cũng đã giúp họ một phần đáng kể trong việc bảo vệ rừng Bông. Cuối cùng, đoàn tàu dài dằng dặc cũng đã dừng hẳn ở thành phố Mát-xcơ-va nguy nga tráng lệ. Ngôi sao đỉnh tháp cao chót vót rực chiếu cả một vùng trời. Chuông đồng hồ ngân nga từng tiếng từ trên cung điện cổ kính. Liền đó, một điệu nhạc trang nghiêm, hùng tráng vang lên. Lần đầu tiên đến một hội nghị lớn ở một nơi xa lạ, tôi không khỏi bỡ ngỡ, lạ lùng. Trong khi đoàn đại biểu vào họp trong hội trường lớn thì tôi lại bạn tíu tít chuẩn bị hẳn một gian nhà giới thiệu về Kiến Việt Nam ở trong khu các triển lãm các loài Kiến có ích cho loài Người tổ chức trong thời gian họp hội nghị. Tôi vô cùng sung sướng và phấn khởi vì lần đầu tiên trong đời tôi được gặp hầu hết các bà con, họ hàng xa gần từ năm châu bốn bể đổ về đây. Để giới thiệu rộng rãi với họ hàng, bạn bè thành tích của gia đình tôi đóng góp vào việc tiêu diệt kẻ thù của loài Người, tôi liền đem treo ngay bản tin đã được in trên lá bông, ở trước cửa triển lãm. Rất nhiều các bà, các chị Kiến Vàng, kiến Đỏ, kiến Gió, kiến Đen, kiến Hung, kiến Nâu… lũ lượt kéo đến xem. Mấy chị kiến khâu Ê-cô-phin-la quê tận châu Phi nắng cháy đang khâu dở hai mép lá trên cây sồi, thấy lạ cũng vất cả cuộn chỉ trắng bằng tơ kén chạy xuống. Sợi chỉ sổ tung ra, khiến cho cái kén trắng bị treo lơ lửng trên không. Các cô kiến trồng nấm A-cro-miếc-mếch miền nam Âu đang phun nước tưới cây, vội ra xem quá giẫm bừa lên cả mấy luống nấm đã nhú mầm trắng mập. Bác kiến lá Át-ta quen sống trong vùng rừng nhiệt đới Á Châu lại còn cẩn thận đặt chiếc lá đang đội trên đầu xuống, hí hoáy chép lại bản tin. Buồn cười nhất là chị kiếm mật Mếc-mê-cô-sít-tút Bắc Mỹ đang bám chân trên trần nhà để treo cái bụng chứa mật tròn như cái thùng tôn nô. Chẳng biết luýnh quýnh thế nào mà chị rơi bịch xuống sàn, lăn lông lốc như quả bóng, trào cả mật ra miệng. Một cô kiến săn A-ma-dôn Nam Mỹ đứng ngang tàng ghếch chân lên cái kén mới săn được, cất giọng oang oang, dõng rạc nói: - Ngày hôm qua trong trận “Quét tệp, cứu bông” quân kiến Đỏ đã đánh tan quân Rệp, diệt gần 3 vạn tên, chủ yếu Rệp cánh. Dần dần, bà con trong triển lãm biết tin đều lần lượt đến chỗ tôi, chạm râu chúc mừng nồng nhiệt chiến công vang dội của gia đình tôi. Họ không quên mời tôi, nếu có dịp ghé thăm quê hương họ. Tôi đang lúng túng không biết trả lời thế nào thì ông trưởng đoàn mặt mày hớn hở chạy xăm xăm đến chỗ tôi báo tin hội nghị đã thành công tốt đẹp. Toàn thể hội nghị đã nhiệt liệt biểu dương những thành tích lớn lao của họ nhà Kiến trong công cuộc bảo vệ mùa màng và cây rừng. Các đoàn đại biểu đều thừa nhận việc dùng những tổ kiến ăn thịt rất đông để hạn chế sâu bọ phá hoại trong rừng. Làm như vậy thường đạt hiệu quả kinh tế cao hơn so với phương pháp khác, kể cả phương pháp hóa học. Nhiều nhà bác học quả quyết rằng nếu trong một héc-ta rừng đảm bảo đủ bốn tổ kiến thì hoàn toàn không lo bị sâu bệnh phá hoại. Bản dự thảo về bộ luật bảo vệ Kiến cũng đã nhất trí thông qua và sẽ được áp dụng ở các nước trong thời gian tới. Cuối cùng hội nghị đã đề nghị các nơi nên đi sâu nghiên cứu và áp dụng các loại kiến có lợi cho nghề nông và lâm nghiệp, đặc biệt là giống kiến thuộc loài Phoóc-mi-ca phô-lich-ten-na đã được sử dụng có kết quả tốt đẹp ở Liên xô, Ý, Thụy Điển, Anh, Mỹ… Riêng với loài kiến Đỏ Việt Nam có khả năng diệt Rệp bông rất lớn cũng được đoàn đại biểu ta giới thiệu với toàn thể hội nghị cùng với một số kiến khác. Bản báo cáo đã gây được tiếng vang rất lớn trong giới khoa học nước ngoài. Ông trưởng đoàn vừa nói đến đấy thì các đoạn đại biểu dự hội nghị đã kéo đến xem gian phòng triển lãm kiến Việt Nam. Họ chăm chú nghe đoàn chúng tôi giới thiệu từng loại kiến có tác dụng tích cực trong việc bảo vệ các vườn cây ăn quả, cây hoa màu và lương thực, các cây rừng và cây công nghiệp ở Việt Nam. Những chuyên gia về kiến ở các nước xuất cảng nhiều bông vào loại nổi tiếng trên thế giới như Ai Cập, Ấn Độ, Trung Quốc, đặc biệt chú ý đến gia đình kiến Đỏ chúng tôi. Họ ngỏ ý muốn mời chúng tôi tham gia cuộc thi diệt sâu hại trên cây bông tổ chức trong dịp hội nghị này. Ông trưởng đoàn vui vẻ nhận lời. Suốt ngày hôm ấy, tôi chuẩn bị cho cuộc thi đấu sắp tới. Sáng hôm sau, chuông đồng hồ trên cung điện vừa điểm tám tiếng, chúng tôi đã có mặt ở địa điểm qui định. Trong một căn nhà lồng kính ấm áp, có đủ loại cây ăn quả vùng nhiệt đới như dứa, chuối, vải, nhãn, quất hồng bì… Tôi có cảm tưởng mình đang đi trên mảnh đất quen thuộc của quê hương. Ông trưởng đoàn đưa tôi đến bên gốc cây bông đang bị sâu bệnh rất nặng. Nghe hiệu lệnh, tất cả các loại Kiến bắt đầu leo lên cây. Các chị Kiến Liên Xô, Trung Quốc, Ai Cập và các nước khác đều nhằm những cây có Rệp tiến đánh trước tiên. Thoạt đầu, tôi nhảy xổ vào giữa chiếc lá bám đầy Rệp, đá một tên ngã dúi, rồi đâm một tên chết tươi. Bị đòn phủ đầu sấm sét, lũ Rệp co rúm lại một chỗ. Tôi tiếp tục diệt thêm một đám nữa vẫn còn gan lì cắm vòi vào lá không chịu rút ra. Trước hàng trăm con mắt của các đại biểu đang theo dõi, tôi càng đánh càng hăng. Bọn Rệp này không có cánh nên chỉ trốn quanh. Tôi nhảy từ chỗ này sang chỗ khác, đâm chém túi bụi. Đến khi tôi vừa đâm chết tên Rệp cuối cùng thì trên chiếc lá bỗng thấy vang lên tiếng ầm ầm như sấm dậy. Tiếp theo là những tia chớp nhấp nháy, chói lòa. Ông trưởng đoàn vội vàng nói nhỏ với tôi đó chỉ là tiếng vỗ tay hoan hô nhiệt liệt của các địa biểu và ánh đèn lóe sáng của các phóng viên nhiếp ảnh. Kết quả cuộc thi, tôi được xếp vào loại diệt Rệp khá nhất. Các đoàn tranh nhau đề nghị ông trưởng đoàn sớm gửi loại kiến Đỏ Việt Nam sang bảo vệ các rừng bông bạt ngàn ở nước họ. Trước khi về nước, đoàn chúng tôi có đến một số nước để tham quan và học tập. Trong thời gian ở Liên Xô, chúng tôi thấy họ đã hành công tốt đẹp trong việc sử dụng kiến Đỏ hung Phoóc-mi-ca pô-lích-ten-na nổi tiếng để bảo vệ những khu rừng thông lớn ở vùng Téc-no-pôn-côi, Khe-rơ-không-côi…Tại đây, mỗi tòa nhà của một gia đình Kiến đều được bảo vệ trong một cái lưới sắt hình chóp nón rất an toàn. Mỗi nhà phải kiểm soát sâu bệnh trong phạm vi rộng đến một phần tư hec-ta và phải diệt được ít nhất hai mươi nghìn sâu hại. Nhờ vậy mỗi héc-ta rừng thông ở những nơi ấy chỉ cần bốn gia đình Kiến là luôn giữ được xanh tươi. Nhưng đến khi đưa những gia đình kiến Đỏ Hung đến chiến đấu ở vùng rừng núi Xi-bê-ri đầy băng giá thì lại bị thất bại thảm hại. Bọn kiến Đỏ Máu sống lâu đời ở đấy đã hung hãn xông đến phá tan hoang cửa nhà của những cư dân mới đến đương lạ nước lạ cái. Chúng còn cướp sạch cả trứng, nhộng đi mất. Về sau nhà bác học Ma-ri-cốp-xki đã khôn khéo thả xuống trước một loại kiến Nâu vô dụng để đánh lừa bọn kẻ cướp. Sau khi cướp phá và bắt bọn trẻ nhà kiến Nâu đi theo, bọn kiến Đỏ Máu yên tâm sống ở nhà. Lúc bấy giờ ông ta mới bí mật đưa một loạt gia đình kiến Đỏ Hung đến thêm. Được yên ổn một thời gian, những gia đình này sinh sôi nảy nở rất nhanh chóng. Khi bọn kẻ cướp mò tới thì bị ngay quân Kiến Đỏ Hung đánh tan tành và đuổi khỏi rừng. Cuối cùng toàn bộ những gia đình kiến Hung đã đảm nhiệm được việc bảo vệ những khi rừng Xi-bê-ri băng giá. Từ giã đất nước Liên Xô rộng bao la, chúng tôi sang xứ Ả-rập. Nông dân ở đây vô cùng lo lắng trước nguy cơ những khu rừng chà là xanh tốt của họ bị một loại kiến Kim tàn phá. Loại kiến này khi leo được lên cây, chúng không chỉ làm hư hại mà còn giết chết cả cây trong một thời gian không lâu. Đuổi được bọn phá hoại này đi khỏi từng cây chà là, mà không đụng chạm đến đời sống của cây quả là một việc khó khăn, phức tạp. Vừa hay lúc đoàn chúng tôi đến thì nông dân ở đây vừa tìm được ở trong núi một loại kiến rất hùng mạnh. Khi thả những gia đình kiến này vào rừng chà là thì chẳng bao lâu bọn kiến Kim đã bị đuổi thẳng cổ khỏi khu rừng. Qua bên Ý, tôi thấy việc sử dụng họ nhà Kiến canh giữ rừng cây được tiến hành trên một quy mô vô cùng lớn lao. Các nhà khoa học và công nhân thành phố Pa-đui đã tập hợp được một lực lượng khổng lồ gồm một triệu gia đình kiến có tất cả ba trăm triệu quân. Họ cho chúng tôi biết là trọng lượng cơ thể kiến tổng cộng lại là hai ngàn bốn trăm tấn. Chỉ trong hai trăm ngày vừa qua, các gia đình Kiến này đã tiêu thụ hết hai mươi bốn nghìn tấn sâu bọ hại trong khu rừng quốc gia ở Bắc Ý rộng hàng chục vạn hec-ta. Trong chuyến đi này, đoàn chúng tôi còn vượt qua cả biển rộng bao la để đến nước Anh sương mù phủ trắng. Một quang cảnh rất tiêu điều hiện ra trước mắt tôi, suốt cả dải rừng chạy dài hàng chục cây số đều bị trụi, tàn úa vì tằm rừng phá hoại. Trên những cây rừng đầy những lá gặm nham nhở, tằm bò la liệt dọc thân cây và khắp cành lá. Có nhiều cây đã bị cụt ngọn hoặc trụi hết lá. Trước tình thế nguy ngập đó, chính phủ Anh đã phải cử một đoàn chim sắt khổng lồ sang tận Thụy Điển để chở 60 triệu kiến thiện chiến thả xuống khi rừng. Vừa đặt chân xuống đấy, kiến Thụy Điển đã tấn công vào bọn tằm phàm ăn. Kiến đi đến đâu, tằm lùi đến đó. Chẳng bao lâu khu rừng nước Anh sẽ bắt đầu trở lại xanh tươi. Trở về trên đất Việt Nam, đoàn chúng tôi ghé vào thăm một bản làng miền núi. Ở đây, nhân dân đang lũ lượt vào rừng chuyển các gia đình kiến Đỏ Nâu đặt vào những thửa ruộng đang bị sâu làm hại. Trên mặt ruộng lúa xanh rờn, tôi thấy có nhiều đám lúa thân bị đổ gục, lá bị gặm nát. Gần bờ ruộng chỗ tôi đứng, một đoàn kiến Đỏ vừa mới tới đang hăm hở chuyền trên lá lúa mềm mại nhấp nhô như gợn sóng. Quân Kiến lặng lẽ tiến sát đến chỗ những tên sâu cắn gié đang ung dung đứng ăn trên chiếc lá uốn cong, trĩu xuống gần mặt ruộng. Quân kiến Đỏ xúm nhau vào tóm chặt lấy bọn sâu này. Chiếc lá rung lên bần bật, thân cây oằn oại nghiêng ngả. Lũ sâu bị thương vùng vẫy rất mạnh rồi liên tiếp theo nhau rơi tõm xuống bùn đen, kéo theo cả những chị kiến dũng cảm. Một mụ sâu đục thân vừa thò đầu ra khỏi cửa hầm mới khoét, bị nước bắn tóe lên mặt vội vàng thụt ngay vào trong đường hầm đào dọc thân lúa. Mụ ta tưởng như mọi bận, cứ chui vào hầm trú ẩn là không ai động đến được. Chẳng dè, những chị kiến Đỏ tinh ranh đã lần được tới cửa hầm và xông thẳng vào trong đó. Sau mấy phút chiến đấu, họ đã lôi sềnh sệch mụ sâu đục thân ra khỏi cửa hầm. Khi rời khỏi bản, tôi vẫn còn thấy bóng dáng những chị kiến Đỏ rập rờn trên sóng lúa, tiếp tục truy lùng lũ sâu hại tận hang ổ cuối cùng của chúng. Thú vị nhất là lúc tôi được đến thăm một rừng cây ăn quả ở một cùng đồi núi miền trung du. Chúng tôi say sưa ngắm mãi những hàng cam xanh tốt, hoa tím nở chi chít trên cành, báo hiệu một vụ cam đầy hứa hẹn. Khách qua đây không khỏi lạ lùng vì giữa mùa xuân ấm áp, cây cối tốt tươi như thế này mà sao ít hẳn tiếng chim ca hát líu lo! Hoàn toàn không phải vì ở rừng cam lắm người săn chim mà chính là do có rất nhiều đoàn kiến săn…mồi của chim. Trên cây cam nào cũng thấp thoáng bóng những căn nhà tròn trịa, xinh xắn của các gia đình kiến Vàng treo lủng lẳng, nom xa như những quả cam giấu vụng trong vòm lá. Họ phải đảm nhiệm phần lớn công việc bảo vệ rừng cam không cho sâu bọ phá hoại. Mỗi lần đi săn đuổi kẻ địch trên những cây xa nhà, các chị kiến không phải đi vòng xuống đất mà chỉ việc nhanh chóng leo qua những cây cầu tre đã bắc sẵn từ cành nọ sang cành kia, từ cây nọ sang cây kia. Sau khi hướng dẫn khách xem hết rừng cam, ông Chỉ tịch liền mời chúng tôi nếm thử đặc sản của nông trường. Thật là kỳ lạ, những quả cam trên cây có kiến ăn lại ngọt hơn những quả trên cây khác. Rất tiếc là tôi phải sớm chia tay với các chị kiến Vàng đáng khâm phục để trở về quê hương. Ông trưởng đoàn lưu luyến tiễn chúng tôi đến tận rừng cỏ gianh cạnh nhà. Trước khi tạm biệt, ông hứa trong thời gian tới, sẽ hết sức giúp đỡ gia đình tôi hoàn thành tốt đẹp việc bảo vệ rừng Bông quý giá. BỌN KIẾN ĐEN NGUY HIỂM Về gần đến nhà, tôi bắt gặp một tên kiến lạ mặt đang lảng vảng trước cửa phòng giam mụ Rệp cụt. Nom hắn hoàn toàn không có vẻ gì là lương thiện cả. Từ đầu đến thân tên này toàn một màu đen trôn chảo. Đôi mắt kèm nhèm. Râu ria nhớp nhúa, bẩn thỉu. Chân cẳng gầy ngẳng lại cao lêu đêu. Đuôi lúc nào cũng cong tớn lên. Mình dài và thon giống dáng chó săn. Hắn lặng lẽ men theo dọc một cành cây khô nằm chỏng trơ trên sân, râu dỏng lên khẽ động đậy, mắt không rời chị gác cửa phòng giam mụ Rệp cụt. Tôi vội vàng hô hoán ầm ĩ. Chị đội trưởng vừa về, nổi ngay lệnh báo động. Lúc đội cảnh vệ kéo đến bao vây thì tên kiến Đen đã cõng được mụ Rệp cụt ra đến cửa. Lợi dụng lúc tất cả còn lộn xộn, tên kẻ cướp liền xô ngã một chị đứng chắn đường để thoát khỏi vòng vây. Quân kiến rầm rập đuổi theo sau. Tên cao kều guồng rất nhanh ba đôi chân sếu đến nỗi tôi có cảm giác như hắn không chạy mà lướt trên mặt đất. Thoắt một cái, bóng hắn đã mất hút trong rừng cỏ um tùm rậm rạp. Thế là mọi người đành tiu nghỉu trở về không. Trước tình thế như vậy, không may đội trinh sát lại ở ngoài mặt trận cả. Chị đội trưởng đành cử tôi đi dò la tung tích tên kiến Đen nguy hiểm, mặc dù chị biết tôi mới đi xa về rất mệt nhọc. Biết sức mình không thể nào đuổi kịp được tên kiến Đen chạy nhanh như gió, tôi liền lên chỗ anh Bọ Rùa hàng xóm. Gặp vợ chồng anh ta ở nhà, tôi thấy khác hẳn hôm họ đến dự đám cưới. Chị vợ mới sinh còn rất yếu đang nằm thở dài trên cái giường bằng lá vông vang. Anh chồng đứng bên, râu rủ xuống buồn bã, cổ rụt lại. Lũ trẻ con lốc nhốc xung quanh đang há miệng đòi ăn. Hỏi ra, tôi mới hay rằng mấy bữa nay anh bay đến rã cánh khắp một vòng rộng vài trăm nghìn mét vuông quanh tòa nhà gia đình tôi ở mà cũng không kiếm đủ số sâu bọ làm thức ăn cho vợ con. Nghe xong, tôi liền rủ anh đi kiếm ăn xa hơn và nhân tiện giúp tôi tìm tên kiến Đen vừa lọt lưới. Anh Bọ Rùa xòe ngay đôi cánh, vui vẻ mời tôi bước lên cái lưng đen như mun của anh. Đoạn anh đập tít đôi cánh lụa, tạm biệt vợ con, đưa tôi bay là là ngọn cỏ nhọn như mũi chông. Tìm mãi ở rừng cỏ không thấy gì, chúng tôi lại vòng sang rừng Bông. Thăm lại “chiến trường” cũ trên cây Bông quen thuộc ở cửa rừng sau gần hai tháng xa cách, tôi không khỏi ngạc nhiên trước những sự biến đổi kỳ diệu, Cây Bông gày nhỏ đã lớn vọt hẳn lên, cao lớn lạ thướng. Vòm lá trước kia héo vàng, trơ trụi vì bọn Rệp nấm nay đã trở lên xum xuê xanh tốt. Trên những cành quả đã thấy nhú những nụ bông trắng như sữa, có ba cái tai méo viền răng cưa nhọn hoắt. Suốt dọc rải rừng rộng hai trăm mét vuông, không có bóng lũ Rệp tàn ác. Cuối cùng, tôi đã dò ra tên kiến Đen trên một cây Bông bị bệnh nặng, hắn đứng bên cạnh mụ Rệp cụt đang cắm cúi uống nhựa. Mỗi lần mụ ta rỏ xuống những giọt keo trong như thủy tinh thì tên kiến Đen lại khuỵu đôi chân cao lêu đêu xuống, thè lưỡi liến lấy liếm để. Vừa ăn hắn vừa rung tít râu, đầu gật gù như đang thưởng thức một món ăn ngon. Sau khi “dọn dẹp” sạch sẽ bãi keo Rệp, tên này lại kiên nhẫn đứng chùi mép chờ đợi. Té ra tên Kiến dám mạo hiểm cướp mụ Rệp về là để làm cái trò này. Ăn uống xem chừng đã no nê, tên kẻ cướp mới chịu lê cái bụng căng phồng về nhà. Tôi vội vàng tụt xuống khỏi lưng anh Bọ Rùa bám sát theo hắn. Tên này đi suốt dọc cành quả chẽ ngang thì gặp tên khác từ gốc đi lên chạm râu hất hàm hỏi: _Thế nào? Đằng ấy thấy mật năm nay khá không? Tên kẻ cướp đáp: _Thua đứt năm ngoái mất. Chẳng hiểu thế quái nào mà Rệp cánh lẫn Rệp non đều ít hơn hẳn. Suốt cả sáng tớ rình mãi mới vớ được một ả Rệp cánh ở nhà bọn kiến Đỏ. Suýt nữa thì bị chúng tóm cổ. Thật là hú vía. _Đằng ấy đoán xem vụ này liệu có kiếm chác được khá đường không? Ngập ngừng một lát tên kẻ cướp mới trả lời: _Cũng gay go đấy! Nhưng nếu trong tháng này ông trời khóc in ít chứ, cứ nắng lên âm ấm một chút cho lũ Rệp tha hồ sinh sôi nảy nở thì cũng kiếm được. À! Nhưng mà này! Sáng nay đi thám thính tớ mới biết bọn kiến Đỏ diệt Rệp dữ lắm đấy! Chỉ sợ mấy nữa chúng kéo đến đây thì lôi thôi to. Trao đổi xong, chúng lại vẫy râu tạm biệt nhau, ai đi đường nấy. Giờ tôi mới rõ là bọn kiến Đen bẩn thỉu, nhớp nhúa này kiếm đường từ keo Rệp. Thảo nào chúng chăm chút Rệp tỉ mỉ đến thế. Hễ thấy keo rỏ xuống là chúng cứ như mèo thấy mỡ. Tính sơ ít ra lực lượng của chúng cũng phải có tới ba mươi nghìn tên. Thật là một đối thủ đáng gờm của gia đình tôi. Tên kẻ cướp vừa đi khuất, anh Bọ Rùa liền hạ cánh xuống chỗ mụ Rệp cụt. Mụ ta vội vàng chuyền sang một chiếc lá cuống đỏ như son. Mặt dưới lá tím ngắt, mặt trên lại xanh nhạt láng bóng, quanh mép loăn xoăn như sóng gợn. Chắc bọn Rệp đến đấy reo rắc thêm bệnh này cho cây Bông. Mụ Rệp nhanh chân lẩn vào giữa đám Rệp bâu đầy trên mựt lá. Tôi nhận ra ngay lũ con gái mụ Rệp cụt sinh ra ở trên cây Bông dạo nọ. Bây giờ trông đứa nào cũng lớn tướng. Con cháu chúng đầy đàn đứng xúm xít xung quanh. Chả biết hồi ấy, chúng bị gió cuốn thế nào mà lưu lạc sang tận đây. Có điều rất lạ là hồi bé da dẻ chúng xám ngoét như chì, thế mà lúc này tôi lại thấy toàn thân chúng xanh ngắt như tàu lá. Thậm chí cả mụ Rệp cụt cũng thay da đổi thịt như vậy. Thì ra lũ Rệp có biệt tài thay đổi được màu sắc theo màu của cảnh vật xung quanh. Nhìn đám Rệp hòa lẫn với màu xanh, anh Bọ Rùa vừa lên tới nơi, chẳng biết phân biệt ai với ai. Anh ta cứ lôi bừa một ả Rệp béo tròn cối xay ra khỏi đám Rệp rồi lẳng cho một cái ngã quay lơ. Cậy đông, cô ả vật vã mình mẩy la làng lên bắt vạ. Tức mình, anh Bọ Rùa liền bồi cho cú đá chết đứ đừ. Cả bọn hầm hè chĩa vòi định xông vào, thấy thế vội quặp vòi lại, không tên nào dám ho he nửa lời. Được thể anh Bọ Rùa càng xông xáo vào đám Rệp. Trong phút chốc, đám Rệp hàng trăm đứa đã vãn hẳn. Hạ được tên nào, anh chàng phàm ăn liền chém luôn tên nấy. Thật khác hẳn tính hay lo xa, ký ca ký cóp của họ nhà Kiến chúng tôi. Thừa lúc lộn xộn, mụ Rệp cụt lẻn đi cầu cứu quân kiến Đen. Tên kẻ cướp dẫn đầu một bọn kiến Đen nhe răng xông tới chỗ chúng tôi. Nhưng đôi cánh kỳ diệu của anh Bọ Rùa đã cứu chúng tôi thoái khỏi cơn hiểm nghèo. Bọn kiến Đen nhanh chóng dàn ra khắp cành lá để bảo vệ lũ Rệp rất nghiêm ngặt. Thế là anh Bọ Rùa đành phải nhổ mấy búi nấm đem về nhà để vợ con ăn cho đỡ đói lòng. Dọc đường, anh Bọ Rùa tỏ ý rất muốn kéo cả họ đến làm ăn ở rừng Bông, nhưng còn hiềm một nỗi ở đó còn có bọn kiến Đen hung dữ. Tôi hẹn với anh khi nào quân kiến Đỏ tấn công bọn chúng sẽ báo để gia đình anh biết. CUỘC TẤN CÔNG Dựa vào những tin tức của tôi mà một số khác mới điều tra được. “Bộ chỉ huy” đã thấy tình hình trở nên rất gay go. Mặc dù bị diệt một số rất lớn ở khu rừng miền đông, nhưng quân Rệp vẫn còn đông. Thêm vào đó chúng lại kết bạn chặt chẽ với quân kiến Đen. Tuy vậy “Bộ chỉ huy” vẫn quyết mở một mặt trận thứ hai ở phía nam rừng Bông. Để tăng thêm lực lượng, tôi được cử đến chỗ vợ chồng anh Bọ Rùa đôi bên tính ngày mở đầu trận đánh. Đáng lẽ gia đình tôi còn một số đông ở chỗ các em gái tôi đã ra ở riêng. Nhưng rất tiếc là họ lại ở quá xa, nên gia đình không thể liên lạc với nhau được. Lần thứ hai trong đời, tôi lại có vinh dự dự một trận đánh lớn. Đoàn quân dài dằng dặc vừa đặt chân đến khu rừng miền nam thì chị đội trưởng liền dẫn một số tiến thẳng tới cây bông có địch. Cả khu rừng vẫn chìm trong yên lặng. Giữa vòm lá bị tàn phá xơ xác, lũ Rệp vẫn say sưa uống nhựa. Những tên kiến Đen thui chạy lăng xăng từ cành nọ sang cành kia. Nhiều tên còn mải vục đầu vào những đống keo nóng hổi. Một tên khác đang mơn trớn, vuốt ve lưng bọn Rệp, miệng há hốc chờ đợi. Dưới gốc cây, một tên lính gác đang chăm chú chĩa râu về phía trước. Chị đội trưởng cứ đường hoàng đi thẳng đến trước mặt tên lính gác. Tên này vừa chạm râu đã bị chị chẹt ngang họng, bẻ gãy cổ. Quân Kiến lặng lẽ nối đuôi nhau leo lên cây bông. Nhưng mới đi được một quãng chừng nửa mét, họ đã chạm trán với một đoàn kiến Đen đang trên đường về nhà. Tốp kiến đen đi đầu đứng lại. Tốp đi sau quay phắt lại, rung râu nổi hiệu báo động. Lập tức quân kiến Đen như những dòng phún thạch chảy từ khắp các cành lá, họp lại một dòng lớn ở chỗ cành quả đầu tiên. Vấp phải quân kiến Đỏ chúng chùn lại, tràn ra xung quanh thân bông như vết mực đen loang dần trên lớp vỏ màu xanh. Quân kiến Đỏ cũng nhanh chóng dàn ra thành thế trận. Cuộc chiến đấu vô cùng ác liệt đã bắt đầu diễn ra. Bên quân tôi, những chị Kiến to đầu đứng trên cùng, anh dũng xông lên đánh nhau với kẻ thù. Lũ kiến Đen cũng hung hãn lăn xả vào những đối thủ lợi hại này mà cắn xé điên cuồng. Từng đôi kiến Đỏ, Đen quấn chặt vào nhau, vặn đi vặn lại như vỏ đỗ, rơi xuống đất lả tả. Quân kiến Đen dồn xuống như cờ lông công. Lũ Rệp không hiểu có chuyện gì ghê gớm xảy ra vẫn đừng chống râu ngơ ngác. Bỗng lũ Rệp trên vòm lá sợ hãi cuống cuồng, mắt trước mắt sau tìm đường lẩn trốn. Thì ra quân Bọ Rùa đã đổ bộ xuống cây bông, lá kêu rào rào. Họ nhanh chóng chiếm điểm cao rồi tấn công ra xung quanh. Quân kiến Đen thấy bọn Rệp ở phía trên đang bị uy hiếp nghiêm trọng, đành phải rút bớt quân lên cứu. Quân kiến Đỏ lợi dụng ngay cơ hội đó, liên tiếp đánh vào nơi phòng thủ của địch đã bị mỏng bớt nhiều. Giữa lúc ấy, viện binh của địch ồ ạt kéo tới, đánh bất ngờ vào ngay sau lưng quân kiến Đỏ. May thay, trong tình huống vô cùng nguy nan ấy, một đoàn kiến Đỏ dài dằng dặc không biết từ đâu kéo đến. Họ nhanh chóng quấn vòng quanh gốc bông, rồi dần dần thít chặt vòng vây lại. Trước sức tấn công như vũ bão của quân kiến Đỏ, chúng bị phá vỡ từng mảng lớn. Thấy viện binh của mình kéo đến trùng trùng điệp điệp, quân kiến Đỏ đang chiến đấu hăng hái hẳn lên. Chị đội trưởng dẫn một đoàn kiến, mở một đường máu, rạch đôi tuyến phòng thủ của quân kiến Đen. Các đoàn kiến Đỏ khác tràn lên như nước vỡ bờ. Đôi bên giành giật nhau từng đoạn cành, góc lá. Có một số kiến Đen vội vã cõng Rệp lên tìm đường lẩn trốn. Giữa lúc chị đội trưởng đang phải vật lộn với những kẻ địch to lớn thì tên Kiến kẻ cướp lén đến, đâm một nhát dao vào bụng chị. Tôi giận dữ, xông thẳng vào tên này. Hắn không dám nghênh chiến mà lại chạy ngược lên chỗ mụ Rệp cụt, chắc là định cõng theo. Chẳng ngờ mụ ta đã bị đè dí dưới chân anh Bọ Rùa. Vừa thấy chủ, mụ Rệp vội rung râu cầu cứu. Quen thói, tên kẻ cướp hầm hầm chạy đến giằng ngay lấy mụ từ chân anh Bọ Rùa. Đôi bên đều dùng hết sức co kéo đến nỗi tấm thân của mụ bị xẻ làm hai, khúc đầu vẫn giương đôi mắt lồi trâng tráo nhìn anh Bọ Rùa. Thừa cơ, tôi lao đến sát tên kẻ cướp, phạt một nhát khuỵu ngay đôi chân sau. Hắn chưa kịp quay lại, tôi đã nhảy phốc lên lưng, sỉa cho một nhát vào gáy khiến hắn gục ngã tại trận. Anh Bọ Rùa chạy lại chúc mừng tôi rồi cả hai lại cùng mọi người tiếp tục cuộc chiến đấu. Lác đác có những tên Rệp cánh rời khỏi cây bông. Nhưng những đôi cánh lợi hại của quân Bọ Rùa cũng không cho chúng nó thoát. Không cứ Rệp mà cả những búi nấm đen như than, bám trên mặt lá cũng bị họ diệt sạch. Cuộc chiến đấu gay go, ác liệt trên cây bông kéo dài suốt đêm ấy cho đến tậm sáng hôm sau. Khi những tia nắng đầu tiên rọi tới cành thì quân kiến Đen đã hoàn toàn bị đánh tan tác. Xác chết nằm ngổn ngang dưới gốc cây. Một số quân Rệp cũng đã bị tiêu diệt. Chỉ còn đám tàn quân chạy trốn sang cây khác. Mãi đến lúc trời sáng hẳn, tôi mới rõ những vị cứu tinh của quân kiến Đỏ hôm trước không phải ai xa lạ mà là chính đội quân của gia đình cô em út tôi. Trong khi chúng tôi phải vất vả lắm mới chuyển được một chuyến chiến lợi phẩm về rừng cỏ xa xôi thì họ cứ nườm nượp chở hàng bao nhiêu chuyến về tòa nhà cách đấy không đầy ba mét. Không ai có thể tưởng tượng được rằng một tòa nhà cao hai mươi tầng lại có thể mọc lên chỉ qua một đêm. Thật cứ y như là trong một câu chuyện cổ tích thần kỳ vậy. Người ta có “phép thần” chuyển nổi một tòa nhà đồ sộ đến tận bên gốc cây này, chính là ông khổng lồ trán hói, đeo đôi kính gọng đồi mồi – nhà côn trùng học chuyên nghiên cứu về họ nhà kiến chúng tôi, đồng thời cũng là một người bạn lớn của gia đình chúng tôi. Mẹ tôi ở nhà vừa nghe tin ông ta còn đang định chuyển nhiều nhà kiến nữa sang rừng Bông liền cho tôi đến nhờ ông giúp một tay. Theo đúng lời hứa với tôi, ông đã bệ cả tòa nhà ba mươi tầng của gia đình tôi từ rừng cỏ rậm rì sang rừng Bông xum xuê xanh tốt. Cả họ nhà Bọ Rùa và các gia đình khác cũng sang theo. Từ đó, hơn năm chục gia đình mẹ con kiến Đỏ chúng tôi chia nhau canh giữ suốt một dải rừng Bông rộng chừng hai mươi héc-ta, chạy dọc từ phía đông xuống phía nam. Hằng ngày, chúng tôi rủ nhau đi săn lũ Rệp và sâu hại bông ẩn náu trên khắp mặt đất, lẩn dưới thân lá, bám dọc thân và cành lá hay chui vào tận nụ và quả…Tối đến, chúng tôi ngủ yên giấc trong những tòa nhà có lưới sắt che chở, dưới bóng những hàng bông thẳng tắp. Trong những giây phút rảnh rỗi hiếm hoi, tôi ngồi ghi lại một vài mẩu chuyện đã xảy ra trong đời, trân trọng gửi tới các bạn đọc nhỏ tuổi cò lòng yêu mến họ nhà Kiến chúng tôi. Cuối cùng, xin chân thành cảm ơn ông trưởng đoàn, người đã từng dẫn chúng tôi đi vòng quanh thế giới và đã dịch cuốn sách nhỏ này từ nguyên văn tiếng Kiến sang tiếng Việt Nam. HẾT